Nghề PR game là một nghề thật sự nhiều thăng trầm, nhưng là công việc hứng thú trong làng game, với đủ những cảm xúc vui buồn với nghề. Đó là công việc đáng được tưởng thưởng, ghi nhận vì họ đã bỏ công sức mình đem game đến với người chơi. Dĩ nhiên, những điều tốt đẹp ấy chỉ dành cho những người thật sự hiểu game và làm game.
PR Game – Người chơi mong gì?
PR game hay marketing cho game, cũng là bước quan trọng đem game do công ty phát hành đến với người chơi. Vậy người chơi mong chờ gì ở những người làm PR game?
Trước tiên đó là cái tâm. Cái tâm với game mình đang tiến hành PR, và cái tâm với một cộng đồng gamer đang phát triển bên ngoài văn phòng. Từ cái tâm ấy sẽ định hướng sự PR dành cho sản phẩm game một cách hiệu quả, thay vì những trò PR ngược chỉ cốt yếu để người chơi biết đến sản phẩm mình càng nhiều càng tốt, hay như tạo nhiều scandal để cốt yếu báo chí nói về mình. Một người làm PR game có tình yêu với game mình làm ra, sẽ yêu quý game mình như một đứa con tinh thần, và chả cha mẹ nào muốn người ngoài ném đá con mình chỉ cốt làm sao con mình kiếm được nhiều tiền.
Sau đến đó là cái tầm. Cái tầm của một người làm PR game nằm ở chỗ hiểu rõ game mình đang nắm hơn cả gamer. Thật ra thì không hẳn khả năng của 1 người làm PR có thể hiểu biết nhiều hơn hàng ngàn người chơi, nhưng chí ít người làm PR game cần hiểu về sản phẩm của mình để có thể sử dụng ngôn từ, câu văn để chuyển tải nội dung từ những người vận hành game một cách hợp lý nhất đến với gamer. Người làm PR game sẽ tạo ra một thế giới khiến gamer nhập tâm vào cuộc sống trong game bằng câu chữ của mình. Nhiều ví dụ rất thành công trong vấn đề này như VNG với câu nói “Chưởng Quản Kính Bút” trong các thông báo của game võ hiệp, hay VTC với “Hội đồng thành phố vũ hội” và “Bộ chỉ huy”. Đó là những ví dụ của làm PR game có tầm, để gamer thật sự sống cùng game.
PR Game – Nghề ném đá nhau
Khi trên thị trường ngày một nhiều game xuất hiện, nhiều nhà phát hành mới ra đời, thì mảnh đất làm PR ngày càng chật chội. Các chiến dịch PR dần dần chuyển từ đánh bóng tên tuổi chính mình sang hạ bệ tên tuổi đối thủ để nâng mình lên. Vì thế, vô hình chung PR game trở thành một chiến trường giữa những người làm game, khi họ không tiếc lời chê bai nhau để nâng tầm mình lên cao hơn. Nhiều chiến dịch quảng cáo với hình ảnh cosplay nóng bỏng, bỗng nhiên trở thành đề tài bị ném đá bởi chính những bộ ảnh cosplay cũng nóng bỏng không kém, rằng đó là dung tục, phản cảm. Thực tế thì cosplay đem lại gì? Chẳng lẽ gamer mong muốn những bộ cosplay mang tính giáo dục, thể hiện rõ thực trạng xã hội? Đã chọn 1 con đường PR game như nhau thì bản chất đều là như nhau cả, ném đá nhau chẳng làm tên tuổi của mình thêm nổi tiếng đâu.
Dần dần, các trận chiến PR bắt đầu là những màn bôi bẩn quy mô lớn thông qua các trang tin tức game hoặc kể cả là facebook của nhau. Những màn chê bai nhau là game lậu, game không giấy phép, không “chính chủ” xuất hiện ngày một nhiều. Ai cũng tự nhận sản phẩm của mình là hàng xịn, là chất lượng, lên tiếng “tuyên chiến” với game rác, game lậu. Thực tế có nhà phát hành nào đảm bảo tất cả các sản phẩm của họ đưa ra đều là game có bản quyền và có giấy phép? Vậy 1 nhà phát hành với 1 game không phép và 10 game có phép có thật sự “trong sạch” hơn một nhà phát hành có 10 game lậu?
Ném đá thể hiện điều gì ở nhà phát hành? Đó là sự lo sợ. Lo sợ về sự lớn mạnh của một game hoặc một nhà phát hành khác sẽ là cơn bão cuốn phăng đi gamer của mình cũng như nguồn thu nhập từ họ. Nếu bạn tự tin vào khả năng của mình, vào chất lượng của những gì bạn đang làm, liệu bạn có sợ người khác sẽ “tấn công”? Nếu giữa game và gamer là hai người đang yêu nhau, thì điều quan trọng nhất là tin tưởng nhau và tin tưởng vào chính mình, thay vì tìm cách chê bai những người xung quanh để nâng cao chính mình.
Ta ném người, người lại ném lại ta thôi.
PR Game – Nghề sâu sát gamer
PR là viết tắt của Public Relation, tức là quan hệ công chúng. Cái quan hệ ấy khác với marketing, vốn chỉ là nhà phát hành truyền tải thông điệp một chiều từ đội làm game đến người chơi game. PR không chỉ truyền tải theo chiều như thế, mà còn phải là nơi ghi nhận thông tin từ gamer và đưa ngược lại với nhà phát hành để có thể nâng cao chất lượng phục vụ của game. Dĩ nhiên là một người làm PR, ngoại trừ phải hiểu game, còn phải hiểu về gamer. PR Game ngoại trừ phải giỏi văn chương câu chữ, giỏi việc quản lý số liệu và kế hoạch, còn phải là người chơi game- hiểu game – và hiểu lòng gamer. Người không chơi game và hiểu game, làm sao có thể truyền tải những nội dung đến với người chơi bằng những câu chữ mà gamer cảm thấy dễ hiểu và gần gũi.
Người làm PR game là cầu nối quan trọng giữa game và người chơi game. Sự gắn kết ấy nằm ở sự liên kết hai chiều, đòi hỏi những người làm PR phải là những người hiểu, yêu quý những gì mình đang làm, nếu không đó chỉ là công việc, và chúng ta thì làm việc không thể nào đạt chất lượng cao bằng việc làm những gì chúng ta yêu thích. Nghề PR là một nghề khó, và PR cho game càng khó hơn. Quan trọng là bạn yêu cộng đồng game và mong muốn được làm những gì mình yêu thích. Được làm những gì mình thích thì suốt đời không phải làm việc.
Nguồn: NguoiLamGame
- Fantasy From Wind sẽ về Việt Nam với tên gọi Quân Đoàn
- Đa Tình Kiếm – game kiếm hiệp kết hợp tình duyên
- Forum seeding – công việc không như là mơ
- Nghị định quản lý Internet và game online sắp được ban hành
- Làng Game Online Việt đón liên tiếp 3 sản phẩm mới ra mắt!
- Mạn bàn về làng game Việt và vấn đề private [P1]
0 Comment, Leave a Comment And Get RGN Social Points