Như đã biết, kể từ ngày 1/9/2013, Nghị định 72/2013/NĐ - CP sẽ có hiệu lực và lúc đó việc cấp phép game sẽ tiến hành trở lại như trước đây, sau thời gian gần 3 năm tạm ngưng vì các chính sách quản lý không theo kịp sự phát triển, cũng như những hệ lụy mà game online gây ra cho xã hội được các cơ quan truyền thông phản ánh.
Việc nghị định có hiệu lực cũng có nghĩa là ngành game đã có chính sách quản lý mới, chính vì thế những sai phạm nếu diễn ra, trái với những điều đưa ra trong nghị định, chắc chắn sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Như vậy, hơn 200 game chưa được cấp phép đang được các doanh nghiệp trong nước phát hành trên thị trường để phục vụ người chơi sẽ trở thành vi phạm pháp luật nếu như nghị định 72 có hiệu lực.
Thực tế, ngay bây giờ các nhà phát hành game chưa được cấp phép cũng đã vi phạm quy định về quản lý game online, nhưng như đã đề cập ở trên, do chính sách quản lý chưa phù hợp, nên phía cơ quan chức năng sau khi xử phạt vẫn tiếp tục để họ duy trì game của mình.
Một minh chứng rõ hơn là tại Hội thảo nâng cao hiệu quả quản lý trò chơi trực tuyến mới đây, trong báo cáo của đơn vị mình, ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh thanh tra Bộ TT&TT cũng phải kêu giúp doanh nghiệp. Cụ thể, phía thanh tra Bộ TT&TT đã thanh tra, kiểm tra 14 doanh nghiệp trong nước, kết quả 100% doanh nghiệp đều vi phạm quy định pháp luật khi có sản phẩm đang phát hành mà chưa được thẩm định nội dung, kịch bản (game không phép) với số tiền phạt lên tới 577 triệu đồng; bên cạnh đó có 2 doanh nghiệp còn bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận các quy định về quản lý chưa đầy đủ đã gây khó cho doanh nghiệp, cụ thể việc không cấp phép game đã khiến các doanh nghiệp tiếp tục vi phạm vì họ phải đứng trước tình thế vi phạm để tồn tại hay là chết?
Chính vì thế, khi Nghị định 72 có hiệu lực, bắt buộc doanh nghiệp muốn duy trì các game chưa được cấp phép phải tiến hành xin phép. Song muốn làm được điều đó, cơ quan chức năng phải có các hướng dẫn, biện pháp cụ thể để doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng lúng túng như trên.
Về vấn đề này, đại diện thanh tra Bộ TT&TT cho hay, đối với các game chưa được cấp phép tồn tại trên thị trường, khi Nghị định 72 có hiệu lực sẽ được Hội đồng xét duyệt xem xét hồ sơ để cấp phép cho game nào đáp ứng đầy đủ các điều kiện như quy định đưa ra. “Tuy nhiên với số lượng game chưa được cấp phép khá lớn trên thị trường hiện nay, việc này cần một thời gian khá dài, chứ không thể tiến hành ngay lập tức vì còn tùy thuộc vào năng lực của Hội đồng xét duyệt”, vị đại diện này cho biết thêm.
Như vậy, các doanh nghiệp đang phát hành game chưa được cấp phép trên thị trường cần tiến hành làm hồ sơ để xin phép; đồng thời phải chờ đợi xét duyệt của cơ quan cấp phép để xem game mình có đáp ứng đầy đủ các quy định và được cấp phép hay không? Trong trường hợp, nếu game của doanh nghiệp không đủ điều kiện để được phép hoạt động sẽ bị cơ quan chức năng yêu cầu ngừng cung cấp. Đặc biệt, để tránh các trường hợp bị ngừng cung cấp game một cách đáng tiếc, việc đầu tiên các doanh nghiệp nên làm khi đưa game ra thị trường là gửi hồ sơ để xin cấp phép cho game của mình.
Nguồn: ICTNews
0 Comment, Leave a Comment And Get RGN Social Points