Mối quan hệ giữa người chơi game và nhà phát hành game về bản chất là quan hệ người bán và người mua. Theo lẽ thường, khách hàng là người nắm quyền lựa chọn. Họ chọn sản phẩm theo ý thích của mình, chọn người bán nào có giá rẻ nhất, chất lượng cao nhất hoặc chăm sóc mình tốt nhất. Nhưng ở thị trường Game online Việt Nam dường như có đôi nét “ngược đời”.
Có một sự thật ít người để ý tới đó là trong những yêu cầu mà nhà phát hành đưa ra khi người chơi đăng ký tài khoản thường sẽ đề cập đến việc:”nhà phát hành bảo lưu quyền thay đổi về game, phát hành, quản lý tài khoản và thậm chí cả thay đổi nội dung thỏa thuận mà không cần báo trước hay chịu trách nhiệm nào đối với người chơi”. Thông thường người chơi không quan tâm tới những điều này, mà thường chỉ nhấp chọn đồng ý cho qua chuyện. Cũng dễ hiểu vì họ chỉ có hai lựa chọn, một là đồng ý, hai là khỏi chơi game. Điều nên bàn ở đây là vì sao các nhà phát hành lại có thể đề ra những quy định như vậy?
Có phải đây là di sản của quá khứ, từ thời kỳ của MU Online, Võ Lâm Truyền Kỳ? Lúc bấy giời thị trường Game online còn trong trạng thái độc quyền, có rất nhiều người mua nhưng chỉ có một hai người bán. Những sản phẩm này là lựa chọn duy nhất của người chơi do đó nhà phát hành nắm đăng chuôi. Nhưng đến hiện tại, số lượng nhà phát hành nhiều đếm không xuể, vậy mà điều này vẫn không thay đổi mấy. Có lẽ việc đề ra quy định tùy ý nhà phát hành đã là chuyện hiển nhiên ở thị trường Game online Việt, chẳng ai bận tâm tới nó nữa.
Hay nó có nguyên nhân từ chính thị trường Game online Việt Nam hiện nay? Khi mà tài sản ảo không được công nhận. Mọi khoản tiền nạp vào game, mọi công sức bỏ ra chơi game, tất cả chỉ dựa vào giao ước giữa nhà phát hành và người chơi và lấy chữ tín của nhà phát hành đó làm đảm bảo. Tất nhiên, mọi việc phụ thuộc hoàn toàn vào nhà phát hành, khi họ không còn muốn giữ giao kèo nữa (vì không có lời, vì nguyên nhân khách quan, chủ quan,…) thì đơn giản là ngừng game, người chơi mất trắng. Hay nói cách khác, nhà phát hành muốn làm gì thì làm mà chẳng ai ngăn cấm. Tin mừng là điều này có thể sẽ không còn kéo dài lâu nữa và hi vọng dự thảo quản lý mới sẽ từng bước xóa bỏ được nghịch lý này.
Nhưng đây chỉ là một minh chứng nhỏ cho một nghịch lý đó là cán cân quyền lực ở thị trường Game online Việt Nam đang nghiêng hẳn về phía nhà phát hành mặc dù đây không phải là một thị trường có tính độc quyền. Hãy thử đặt câu hỏi, trước tới giờ có bao nhiêu công ty phát hành game thua lỗ và phá sản? Dù cho có những màn ra mắt của game bị cho là “bẩn bựa”, dù nhiều rất nhiều sản phẩm bị gán mác là rác chỉ đáng vứt đi còn cộng đồng thì không ít lần đòi tẩy chay game này, game kia… vậy mà những cái tên đó vẫn sống, vẫn có người chơi. Vì sao có những nhà phát hành có lối chăm sóc khách hàng trời ơi, bỏ người chơi “sống chết mặc bây” mà không chút lo sợ thua lỗ, thất bại? Có khi game thủ Việt đã khổ quen rồi?
Còn về những sản phẩm đã đang và sẽ được cung cấp trên thị trường game online. Webgame được mua về dù chất lượng thấp được cho là vì khó khăn trong việc cập phép phát hành game. Nhưng nếu không vì người chơi an phận, cắn răng chấp nhận thì lẽ nào webgame rác lại tồn tại lâu được đến vậy. Ở đây, người định hướng thị trường là các công ty phát hành game, còn việc của đa số người chơi là dõi theo và chấp nhận những game được mua về. Một bộ phận game thủ hướng ra game ngoại với chất lượng cao hơn và vận hành chuyên nghiệp. Nhưng bộ phận này không đủ lớn để ảnh hưởng tới thị trường trong nước. Vấn đề vẫn quy về những hạn chế của bản thân game thủ. Chỉ khi nào người chơi Việt trở thành những người tiêu dùng thông minh, nắm được sức mạnh số đông trong tay thì may ra thế cục này mới thay đổi. Ngày đó khi nào tới?
Nguồn: Rapture Gaming Network
đúng đấy