Trong một vài bài viết trước đây, RGN cũng từng đề cập đến vấn đề game lậu và "chính chủ" ngày càng mập mờ khó phân biệt. Khi mà game lậu nay còn mạnh tay đầu tư cả chiến dịch quảng bá như một game chính hãng. Nhiều game không đề tên nhà phát hành. Nguy hiểm hơn khi thỉnh thoảng còn xuất hiện một vài nhà phát hành lạ hoắc để “chính chủ” hóa game lậu. Đây chính là mối nguy lớn nhất.
Có thể giải thích như là những khó khăn do việc thắt chặt quản lý game online khiến một số nhà phát hành phải ẩn danh.
Điều này nhắc tôi nhớ đến cái tên Kiếm Rồng với chiêu bài game nước ngoài và máy chủ dành riêng cho Việt Nam. Đây có thể nói là một nước đi rất khôn ngoan của nhà phát hành, giúp Dragonica - một MMO 3D chất lượng cao có thể nhanh chóng đến tay game thủ ngay trong bối cảnh trận “hạn hán” của làng game Việt đang ở mức đỉnh điểm khoảng giữa năm 2011. Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến một ví dụ thành công khác của phương thức này là cổng game Dzo. Với nó, Asiasoft cũng đã nhanh chóng hồi sinh Hiệp Khách Giang Hồ, Sudden Attac và mang tới một số game rất đáng chú ý khác như A.V.A, Đấu Trường Robot, Shinobi Online...
Nhưng vẫn còn đó những cái tên đầy tai tiếng.
Chắc nhiều người vẫn còn nhớ Thần Ma Đại Lục (cũ), Truyền Thuyết Thánh Vực tương ứng với những kỷ lục đáng nhớ về thời gian tồn tại dưới 6 tháng và biến mất không lời từ biệt. Bên cạnh đó còn vài cái tên cũng xuất hiện trong năm 2012 và ra đi cùng năm nhưng ít tai tiếng hơn. Chúng đều được PR mở đường như những game hot và chính chủ, được quan tâm và có những giây phút huy hoàng. Thực sự trong những ngày đó, đa số người chơi đều hết sức tin tưởng vào những sản phẩm này, hi vọng chúng trở thành nơi gắn bó lâu dài. Để rồi khi game đột ngột tụt dốc và đóng cửa, người chơi hoặc ngỡ ngàng không hiểu vì sao hoặc quay sang chỉ trích nhà phát hành thiếu năng lực để game hay chết yểu. Vấn đề ở đây là những nhà phát hành bị chỉ trích này là ai?
Game thông báo bảo trì và biến mất luôn từ đó.
Đến lúc này người ta đặt ra câu hỏi, có phải chúng là game lậu? Dấu hiệu đầu tiên, khâu Việt hóa – private thường chỉ được Việt hóa rất sơ sài nhưng ở đây thì không phải. Dấu hiệu thứ hai, vận hành – chúng hoạt động khá bình thường, không kém cạnh các sản phẩm của FPT, VNG hay VTC là bao. Chỉ có thời gian tồn tại quá ngắn, tên tuổi nhà phát hành không rõ ràng còn quyền lợi người chơi trong đây là một thứ không tồn tại.
Chiêu thức phát hành ẩn danh này tiếp tục phát triển mạnh tới tận hôm nay và chắc chắn chưa dừng lại. Hay có khi, việc này đã trở thành một điều quá đỗi bình thường và người chơi cũng quá quen để thôi không cần xem đến tên tuổi nhà phát hành nữa. Bởi có xem thì cũng chỉ là game Áo Giáp Vàng “Bản quyền và phát hành tại Việt Nam thuộc www.aogiapvang.vn”. Như vậy, dù là game đó có được phát hành bởi một công ty đàng hoàng hay chỉ một nhóm người kiếm được source từ một trang mạng nào đó dựng lên thì cũng không ai có thể biết được.
Phát hành ẩn danh lợi ít mà hại nhiều.
Đây chính là điều đáng lo ngại nhất, nó đe dọa đến những công ty phát hành game hợp pháp, đe dọa quyền lợi của người chơi. Và thậm chí, nó tạo tiền đề để người ta dựng lên những công ty chuyên phát hành game lậu. Những công ty như thế thực sự đang tồn tại.
Nói đến đây tôi lại dật mình. Khen chê, phản bác và “ném đá” đủ kiểu nhưng còn vấn đề cơ bản lại chưa nói tới. Vậy như thế nào được tính là game lậu? Dường như ai cũng nghĩ mình hiểu nhưng nếu phải nêu ra một định nghĩa rõ ràng chưa chắc ai cũng có thể nói được. Game lậu là game không bản quyền, nhưng nếu có bản quyền mà lại không được phép phát hành thì sao? Không được cấp phép thì sẽ phát hành “chui” mà như thế thì cũng là lậu. Thế thì rất nhiều nhiều game đang phát hành là game lậu.
Một thực tế có thể khó chấp nhận, nhưng rất rất nhiều game đang có mặt tại Việt Nam không có giấy phép. Nhiều đến mức nếu ngay lập tức chúng bị xóa sạch thì làng game Việt cũng đứng trước bờ vực thẳm. “Kẻ xấu” có khi lại là công thần giúp game online Việt Nam tồn tại?!
Nguồn: RGN Facebook
0 Comment, Leave a Comment And Get RGN Social Points