Phần 1 đã đề cập đến vai trò của các game thủ châu Á đối với sự thống trị của game PC trong làng eSports hiện nay. Phần tiếp theo của bài viết sẽ trình bày về những yếu tố khác đã dẫn tới hệ quả tất yếu này.
Chiến đấu để thích nghi
Sự thống trị vào thời điểm hiện tại của game PC nói chung và eSports nói riêng chính là một hệ quả tới từ những thất bại của game console. Các game eSports trên console hoàn toàn thất thế trước PC, chỉ từ một thể loại: game đối kháng. Những cộng đồng game bắn súng chuyên nghiệp như Halo hay Call of Duty có thể phát triển rất nhanh, nhưng sự duy trì lại không ổn định. Trong khi đó, các tựa game đối kháng lại có những bước tiến chậm mà chắc trong suốt 20 năm qua. Để hiểu được lý do vì sao những game đối kháng như Street Fighter lại phổ biến như hiện nay, bạn sẽ phải tìm hiểu cội nguồn gốc rễ của các tựa game này từ những năm 90.
Các tựa game đối kháng cùng những tựa game PC vừa cạnh tranh lại vừa hợp tác với nhau trong những năm 90 ấy. Điều này đã tạo dựng vị thế vững chắc của mỗi thể loại trong lòng game thủ. Nhưng hiện nay game PC lại đang chiếm ưu thế hoàn toàn, vậy điều gì đã xảy ra với các game đối kháng?
Mặc dù rất có tiềm năng cùng cộng đồng đông đảo và phát triển mạnh, thế nhưng game đối kháng lại thiếu đi sự lãnh đạo cần thiết. Trong khi Blizzard và Riot tích cực khuyến khích người chơi tham gia vào cộng đồng game eSports như StarCraft hay LoL thì Capcom – công ty sở hữu những tựa game đối kháng hàng đầu như Street Fighter, Marvel vs Capcom hay Street Fighter X Tekken – lại không có những bước đi đúng đắn như vậy. Ryan Gutierrez – một game thủ gạo cội của dòng game đối kháng và hiện đang là CEO của Cross Counter TV – đã nói: “Nếu so sánh với Blizzard hay Riot thì sự hỗ trợ cho cộng đồng game thủ của Capcom hầu như chẳng thấm vào đâu”.
Không hiểu sao, trong quá khứ Capcom chưa bao giờ tỏ ra thực sự quan tâm tới hàng vạn game thủ tại Mỹ và Nhật yêu thích những tựa game của họ. Nếu Capcom tổ chức các sự kiện hay giải đấu, những fan hâm mộ này sẵn sàng tham gia vô điều kiện. Thế nhưng Capcom lại không hề có một động thái nào khuyến khích hay thừa nhận thứ được gọi là văn hóa game đối kháng này, do đó họ đã để cơ hội thống trị nền eSports tuột khỏi tầm tay.
Hiện tại, Capcom đã có những động thái hợp lý hơn khi thừa nhận giá trị của cộng đồng game đối kháng, tuy nhiên công ty này vẫn chưa đầu tư mạnh tay để phát triển các giải đấu đối kháng tầm cỡ thế giới như cách mà Blizzard và Riot đã làm. Một trong số những nguyên nhân của việc này nằm ở tiềm lực tài chính của Capcom – khi công ty này không còn giàu mạnh như trước. Điều này cũng không quá khó hiểu, khi thị trường game console luôn có sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên chính việc Capcom không hiểu hết giá trị của các giải đấu game đối kháng quốc tế mới là lý do chính dẫn đến kết quả hiện tại.
Những hạn chế pháp lý đối với vấn đề cờ bạc ở Nhật Bản – một cản trở tới các giải đấu game
“Capcom chi nhánh ở Mỹ hoàn toàn phụ thuộc theo Capcom Nhật Bản, nhưng họ lại không hiểu rõ một vấn đề quan trọng” – Ryan Gutierrez nói – “Giữa Mỹ và Nhật Bản có một khoảng cách rõ rệt về văn hóa. Đó chính là việc tại Nhật Bản, các game thủ không thể thi đấu vì tiền được”.
Sự thật đáng buồn đúng là như vậy. Tại Nhật Bản, những quy định nghiêm ngặt về cấm đánh bạc đã hạn chế nhiều hình thức thi đấu cạnh tranh để giành các giải thưởng tiền mặt. Mặc dù Chính phủ Nhật Bản có đặt ra ngoại lệ đối với một số môn thể thao lớn như bóng chày, nhưng game đối kháng chưa thể lọt vào danh sách ấy. Điều đó đã tạo ra vấn đề rất lớn đối với các fan hâm mộ game đối kháng tại Nhật Bản – cái nôi của dòng game này. Tất cả những tựa game đối kháng xuất sắc nhất đều bắt nguồn từ Nhật Bản, những game thủ xuất chúng nhất cũng được sinh ra từ đây. Thế nhưng, do không thể tự quảng cáo và PR, đồng thời không nhận được sự quan tâm thích đáng từ phía nhà sản xuất, tốc độ tăng trưởng của các tựa game đối kháng là rất chậm. Do đó, dòng game này đã để game PC thống lĩnh hoàn toàn thị trường game chuyên nghiệp.
Yếu tố không thể thiếu: Sự quảng bá
Có thể nói yếu tố quan trọng nhất tạo ra sự thống trị của game PC trong làng eSports chính là việc quảng bá rộng rãi – điều mà game console rất thiếu. Ngoài MadCatz (1 nhà sản xuất phụ kiện console) ra, các công ty khác rất ít khi tài trợ cho các giải Halo hay Call of Duty. Một số nhà sản xuất joystick và gamepad có quảng cáo tại các giải đấu game đối kháng, nhưng các công ty lớn lại không hề sẵn lòng tài trợ cho những sự kiện này. Trái lại, game PC lại nhận được sự quan tâm nhiệt tình đến từ nhiều hãng lớn như Kingston, Logitech, Razer, Alienware… Đó là còn chưa kể đến hàng loạt các nhà sản xuất linh kiện và phụ kiện khác. Những công ty này đã ủng hộ sự phát triển của các giải đấu game PC chuyên nghiệp trong suốt hơn 10 năm trở lại đây. Với những sự hỗ trợ như vậy, mặc dù chưa thể sánh ngang với các giải đấu thể thao truyền thống, nhưng các giải đấu Thể thao điện tử đang lớn mạnh không ngừng.
Tuy nhiên, về khía cạnh thu hút người xem, các sự kiện eSports vẫn có thể được đem ra so sánh với những giải đấu thể thao truyền thống. Nên nhớ rằng lượng người xem eSports trên toàn cầu là khá lớn, hơn nữa họ đều chủ động tìm đến các kênh tường thuật eSports để theo dõi. Trong khi đó, đối với những sự kiện thể thao truyền thống, người xem có thể chỉ vô tình lướt qua trong khi đang chuyển kênh để tìm một kênh thích hợp khác. Và mặc dù eSports trên TV chưa thực sự phát triển mạnh (ngoại trừ ở Hàn Quốc), những kênh tường thuật và thông tin khác như twitch.tv, Twitter hay Facebook đang làm rất tốt việc truyền bá eSports trên phạm vi toàn cầu. Đó quả thật là tin vui đối với các fan hâm mô eSports.
Với đà tăng trưởng này, game PC sẽ giành được vị trí tiên phong trong cuộc đua với game console. Câu hỏi còn lại là: Liệu bao giờ game console sẽ “phản pháo”? Những tính năng xã hội như tường thuật trực tiếp đã được tính hợp trong PS4 – đây cũng được hy vọng là yếu tố chủ đạo mà Sony cũng như các nhà sản xuất game console tập trung hướng đến. Trong tương lai, chúng ta có thể sẽ được thấy một cuộc chiến mới giữa game PC và game console. Có lẽ game PC sẽ lại giành chiến thắng, thế nhưng dù kết quả có thế nào thì game thủ và người hâm mộ sẽ luôn được hưởng lợi.
Nguồn: PCWorld
- Vòng chung kết Raidcall Dota 2 League Season 3 diễn ra tại DreamHack Valencia
- Phân tích những sự thay đổi trong Patch 3.7 của LMHT
- VSL S2 Arena: Trận chiến định mệnh
- Tại sao các pháp sư chiếm ưu thế trong ARAM?
- Gameplay của FIFA Online 3 hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn
- Delpan sang chơi cho Lemondogs. VeryGames và Anexis sẽ dự giải đấu của FACEIT
0 Comment, Leave a Comment And Get RGN Social Points