btn login btn register
   
Follow @RaptureGaming
0



 
Tại sao các game thủ châu Á là những vận động viên eSports tuyệt vời nhất? (phần 1)

Nhật Minh on 2013-05-17
LIKE nếu bạn thích bài viết này

13/10/2012 là một ngày ấm áp đầy nắng ở Los Angeles, thế nhưng thay vì tận hưởng thời tiết tuyệt vời này, 8000 người lại chọn cách tập trung tại sân bóng rổ của trường Đại học Nam California. Họ chấp nhận chen chúc nhau để được xem 1 trận chung kết Liên Minh Huyền Thoại giữa 2 đội game xuất sắc. Trên thế giới, khoảng 8.2 triệu người khác cũng chăm chú vào màn hình máy tính để xem tường thuật trực tiếp từ những trang như Twitch.tv. Taipei Assassins là những người chiến thắng trong trận đấu đó với phần thưởng trị giá 1 triệu USD. Nhưng họ không phải là những người duy nhất có thể kiếm sống từ game…

 

Chắc chắn rằng nghề game thủ không phải là một công việc ổn định. Nhưng với những game thủ chuyên nghiệp hàng đầu, đây lại là một nghề sinh lợi khá lớn, đặc biệt là ở vùng Viễn Đông – nơi mà game thủ đang là một nghề rất phát triển. Một trong những game thủ StarCraft 2 hàng đầu – Jang ‘MC’ Min Chul – đã kiếm được USD $365.000 chỉ bằng việc chơi StarCraft 2 từ khi tựa game này ra đời vào năm 2010. Số tiền này chủ yếu đến từ các hợp đồng tài trợ và khoản lương của MC được trả bởi SK Gaming.

 

 

Chơi game đã dần trở thành một lựa chọn nghề nghiệp hoàn toàn chân chính và đang bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thời điểm này khác xa với năm 2008, khi mà việc chơi game chuyên nghiệp – mà đặc biệt là eSports – được cho là đang ở bên bờ vực tuyệt chủng.

 

Cái chết của việc chơi game PC đã bị phóng đại quá mức...

 

Vào thập niên đầu của thế kỷ 21, những ngày tháng huy hoàng của Doom, Quake và StarCraft 1 đã trôi qua, trong khi đó Xbox 360 lại thành công vang dội. Lúc bấy giờ, game PC khó có thể cạnh tranh được với những tựa game console đình đám như Halo 3, Call of Duty 4: Modern Warfare hay Street Fighter 4. Những game đó được bán ra với doanh số lên tới hàng triệu bản. Khi ấy, eSports thực sự đã rơi vào một giai đoạn khó khăn. Hai giải đấu lớn là Cyberathelete Professional League (CPL) và Championship Gaming Series (CGS) đã bị hủy; các game thủ chuyên nghiệp có danh tiếng nhất cũng phải rất vất vả mới có thể duy trì lượng fan của mình.

 

Thế nhưng, chỉ 4 năm sau, các giải đấu game PC đã trở lại. Làm thế nào mà những giải đấu chuyên nghiệp này có thể hồi sinh từ mép vực phá sản để lại phát triển mạnh mẽ như thời hoàng kim chỉ trong một thời gian ngắn như vậy? Tại sao không phải các tựa game console, mà lại chính là game PC mới là những game thu hút lượng người xem đông đảo nhất thế giới?

 

 

Một loạt các sự kiện đã xảy ra ngay vào đúng năm 2010 và chúng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi những giá trị truyền thống của các giải đấu game PC chuyên nghiệp mang tính cạnh tranh cao. Trong đó, đáng kể nhất là sự tăng trưởng kinh tế tại châu Á, cùng với việc các nhà sản xuất game console đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội lớn vào thời điểm đó.

 

Châu Á đã lặng lẽ cứu vớt cả cộng đồng game PC!

 

Mặc dù ở châu Âu và Bắc Mỹ, game PC phải chiến đấu khốc liệt với game console để tồn tại nhưng điều này không hề xảy ra ở châu Á. Game PC hoàn toàn thống lĩnh thị trường này, và đây là một điều tối quan trọng, bởi lẽ khu vực Đông Á và Đông Nam Á đã trở thành “trái tim của làng eSports”.

 

 

Nếu Mỹ là ngôi nhà chung của nhiều cầu thủ bóng rổ nổi tiếng, châu Mỹ Latinh là điểm đến của những cầu thủ bóng chày xuất chúng thì Đông Á và Đông Nam Á là mảnh đất màu mỡ cho các game thủ chuyên nghiệp. Tất cả các game thủ StarCraft hàng đầu đều đến từ Hàn Quốc, còn Liên Minh Huyền Thoại bị thống trị hoàn toàn bởi những nhà vô địch tới từ Đài Loan. Vậy tại sao điều này lại xảy ra ở châu Á chứ không phải ở nơi nào khác?

 

Một yếu tố quan trọng có lẽ là việc Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác đã cấm game console trong suốt 15 năm. Kết quả là game PC đã chiếm được một chỗ đứng vững chắc trong nền văn hóa của những quốc gia này, khi mà game console bị coi là bất hợp pháp. Lisa Hansen – một nhà nghiên cứu thị trường game của Niko Partners – đã nói: “Chỉ có một vài quốc gia Đông Nam Á cho phép các dại lý kinh doanh game console một cách hợp pháp. Singapore là một trong số đó, tuy nhiên ở nhiều quốc gia khác, điều này không xảy ra. Sự cấm đoán này khiến cho các game thủ chơi game console ở những quốc gia đó sẽ không nhận được sự hỗ trợ cũng như tư vấn bằng ngôn ngữ của họ”.

 

Nói tóm lại, game console đã gặp phải rắc rối lớn tại những khu vực này, trong khi game PC thì ngược lại. Liệu bạn có sẵn lòng di chuyển giữa 2 nước để mua một máy chơi game console đắt tiền và chỉ hỗ trợ một vài game bằng ngôn ngữ mà bạn biết? Hay bạn sẽ tới một quán game PC ngay gần nhà và chơi bất cứ game nào mà bạn muốn? Một số lượng rất ít ỏi các game thủ hardcore chọn cả 2 cách, tuy nhiên đa phần đều chấp nhận chơi các game PC qua mạng LAN với bạn bè của mình – một giải pháp tiện lợi và ít tốn công sức hơn, nhưng vẫn không kém phần thú vị.

 

 

Tại Hàn Quốc, các máy chơi game console không bị cấm, tuy nhiên thuế nhập khẩu khiến giá của chúng trở nên rất đắt đỏ. Cũng quan trọng không kém, đó là việc Hàn Quốc sớm phát triển hệ thống internet tốc độ cao cực kỳ thuận lợi cho việc chơi game multiplayer qua mạng; đồng thời đây cũng là quốc gia có mật độ dân số thành thị đông đúc, khiến cho việc tìm được những game thủ có cùng sở thích và cùng trình độ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tất cả các yếu tố đó đã khuyến khích việc chơi game PC của nhiều game thủ tại Hàn Quốc.

 

Năm nay, giải đấu League of Legends All-Star sẽ được tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc. Đây cũng là nơi đã diễn ra World Championship StarCraft 2 do Blizzard đăng cai hồi năm ngoái. Rõ ràng là các công ty game đều nhận thấy tầm quan trọng của Trung Quốc đối với game PC. Các quán game internet là địa điểm phù hợp cho việc luyện tập và thi đấu game PC. Nhiều học sinh, sinh viên vẫn thường xuyên tập trung ở đây để cùng nhau chơi game cũng như thảo luận về những tựa game yêu thích của mình. “Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã trở thành một “căn cứ” đích thực của các game thủ PC” – Lewis Wang, nhà phân tích game của International Data Corporation nói – “Các quán game đã trở thành một thứ quá phổ biến tại đây. Đó là lý do mà những tựa game free như LoL lại thu hút đến như vậy”.

 

Quả thật, các game PC trực tuyến miễn phí đang ngày càng trở nên phổ biến tại những quốc gia này. Lý do là bởi thu nhập ở những nước này thấp hơn rất nhiều so với châu Âu hay Bắc Mỹ. Ví dụ như ở Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ ở mức USD $6.000. Vậy nên rất dễ hiểu khi ngay cả những game thủ nhiệt tình nhất cũng rất miễn cưỡng khi phải bỏ ra USD $60 (hoặc thậm chí là nhiều hơn) để mua 1 game. Đó cũng là lý do giải thích cho việc tội phạm về bản quyền game là một vấn nạn tại hầu hết các quốc gia châu Á. Tuy nhiên, sự ra đời của các game trực tuyến miễn phí đã giải quyết thành công cả 2 vấn đề trên. Những game này chỉ đòi hỏi game thủ trả phí đối với một số tính năng bổ sung, chẳng hạn như trang phục mới cho nhân vật.

 

“Một tựa game bản quyền thu phí rất khó có thể hấp dẫn được các game thủ ở Trung Quốc, vậy nên mô hình kinh doanh các game PC miễn phí là một giải pháp hoàn hảo đối với những thị trường mà tại đó game thủ có thu nhập thấp” – Lewis Wang kết luận. Thế nhưng “miễn phí” không đồng nghĩa với việc không có lợi nhuận. Dựa vào việc bán những tính năng bổ sung, các công ty này hoàn toàn có thể thu lợi lớn. Hơn nữa, nền kinh tế Đông Á và Đông Nam Á đang trên đà phát triển, các nguồn vốn đổ vào những khu vực này đang ngày càng gia tăng. Do đó mà eSports hoàn toàn có thể tiếp tục tồn tại ở những quốc gia này.

 

Nhưng châu Á không thể một mình gánh vác cả cộng đồng game PC. Nếu không có lượng fan nhiệt thành và đông đảo ở Mỹ hay châu Âu, cộng đồng game PC chuyên nghiệp sẽ không thể nào trụ vững trước sự phát triển mạnh mẽ của những game console như Street Fighter hay Call of Duty.

 

(còn tiếp)

Nguồn: PCWorld

Tweet

Bài viết liên quan

4 Comments,  Leave a Comment And Get RGN Social Points



  1. gravatar
     

    Nói châu Á thì hơi quá, thật ra chỉ có Trung, Hàn và 1 số nước ĐNÁ thì esport mới phát triển mạnh.





Hãy đăng nhập để comment hoặc dùng Facebook comment