Chào các bạn,
Cách đây vài ngày, tôi cũng tình cờ đọc được một bài viết khác về eSports Việt Nam với tên gọi "Thể thao điện tử đang bị lạm dụng?" trên Infonet (tới giờ không hiểu vì lý do gì đã bị gỡ bỏ), chủ đề quá hay, và trong Phần 2 này tôi cũng có đưa ra một vài luận điểm mang ý nghĩa như vậy. Nhưng trước hết là cần phải cải chính một đoạn chưa được chuẩn lắm trong bài viết nói trên đã:
Thật ra, nếu lật lại thời điểm năm 2009, khi VIRESA chính thức ra đời, cộng đồng sẽ hiểu lúc đó, hoạt động eSport Việt đang có mặt cả 3 “nhà” VNG, FPT và VTC chung vai gánh vác. Đối tượng thi đấu chính được đặt ra, là các trò chơi “bắn súng” mà 3 doanh nghiệp đều đang nỗ lực triển khai.
Nếu lật lại lịch sử, có một vài điều chúng ta cần "trích ngang" thế này:
Giải đấu VEC của phía VTC Game bắt đầu diễn ra vào năm 2008 với tên gọi VTC eSports Championship. Một năm sau đó tức là năm 2009, chữ "V" từ "VTC" được đổi thành "Việt Nam" và lý do chính của sự kiện đổi tên vươn tầm này nằm ở chỗ VEC 2009 là giải đấu tuyển chọn Đội tuyển quốc gia eSports Việt Nam dự Asian Indoor Games 3rd cùng năm tại Hà Nội. Đội ngũ tổ chức rồi trọng tài các bộ môn như Need For Speed, FIFA, StarCraft & DotA là các thành viên cốt cán từ cộng đồng game do đại diện VIRESA giới thiệu, đây cũng là sự kiện hoàn toàn không có giải thưởng vì thế phía VTC gần như chẳng đóng góp gì từ nhân lực về mặt tổ chức eSports cho đến tiền thưởng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi đây mới là quãng thời gian VTC đang chập chững dần trên con đường eSports hóa các trò chơi do công ty phát hành. Về các game eSports truyền thống và nổi tiếng, trên thực tế họ có biết gì đâu để mà làm với gánh vác.
VEC 2009 được đổi tên với sự có mặt của 6 bộ môn eSports truyền thống.
Về phía VNG và FPT, hẳn các bạn chưa quên 2 game bắn súng mà họ phát hành gần thời điểm với VTC Game cho ra mắt CrossFire, chính là Sudden Attack và Special Force.
Nếu những game eSports được Nhà nước công nhận, đưa vào danh sách thi đấu tại AIG 3rd là FIFA Soccer, NBA Live, DotA, Need For Speed và Counter Strike 1.6 thì rõ ràng cả 3 trò chơi bắn súng vừa nói ở trên nằm ngoài số đó. Vì vậy, tôi cũng đã nghĩ rất kỹ nhưng không hiểu chuyện nói 3 công ty VTC Game, VNG và FPT đã từng "chung vai gánh vác" eSports Việt Nam vào năm 2009 là thế nào nữa…
Thực tế là chưa từng và có lẽ sẽ không bao giờ có chuyện đó xảy ra. Hiện tại, ngoài VTC Game ra thì 2 công ty còn lại đều đã rút lui, không còn liên quan gì đến khái niệm Thể thao điện tử nữa.
Còn giờ đến lượt chúng ta (lại) tiếp tục ngồi kể chuyệm "phiếm" cho nhau nghe…
Xin được lưu ý lại một số điều đáng nhớ trong phần 1:
- Việc VTC Game hay Garena Việt Nam phát hành rồi định hướng game của họ theo eSports, vung tiền, lập chuỗi giải đấu dày đặc với số tiền thưởng lớn..v..v.. không phải điều gì quá đáng. Thực tế những ai theo dõi cộng đồng eSports hiện nay đều dễ dàng thấy được các hãng lớn trên thế giới như Blizzard, Valve hay Riot đều không nằm ngoài quy luật này.
- Vậy tại sao ở Việt Nam hầu hết "gạch" của Garena chỉ nhận từ giới game thủ Dota 2, trong khi từ cộng đồng eSports truyền thống cho tới chính các game thủ trực thuộc VTC Game vẫn hằng ngày nói về Nhà phát hành của họ bằng những ngôn từ chẳng mấy hay ho? Tại sao có sự khác biệt cơ bản như vậy?
Có người nói, eSports là trò chơi của cảm xúc!
Đúng như vậy, thể thao mà, cảm giác khi bạn thua hay thắng trong thi đấu eSports đỉnh cao không khác gì khi bạn xem những trận đấu loại trực tiếp tại Champion League. Trên vai trò người tổ chức sự kiện, tôi đã từng chứng kiến đầy đủ các cung bậc cảm xúc của những game thủ khi mới vào giải cầm gamepad còn rung bần bật, cho đến khi trận đấu hết thúc vẫn chưa dừng, hay cảm giác vỡ òa trên chiến thắng. Với chúng ta, giới game thủ, sự kỳ diệu của eSports nằm ở chỗ đó, cái cảm giác đứng trong vinh quang của niềm đam mê rất đặc biệt.
Nhưng với những Nhà phát hành hay công ty tổ chức sự kiện eSports thì mọi thứ hoàn toàn khác.
Trên chiếc áo của BTC VEC 2009, 3 game "phong trào" được in lớn hơn rất nhiều so với các tựa game khác.
Từ các giải đấu như VEC cho tới sự kiện nổi tiếng và không kém phần tai tiếng VEA 2013 vừa qua, những gì cộng đồng WoT, FIFA Online 2 hay CrossFire đang có nằm trong kế hoạch sử dụng Thể thao điện tử như một công cụ quảng bá hình ảnh và làm game hiệu quả của VTC Game. Thực ra thì các bạn game thủ 3 cộng đồng nói trên không có lý do gì đề phải buồn bực cả, vì ngay cả World Cyber Games trên thực tế cũng chỉ là một sự kiện marketing của SAMSUNG mà thôi. Sự thật nó là vậy, lợi ích của cộng đồng luôn phải được đặt song hành cùng lợi ích của nhà tài trợ, nhà tổ chức hay nhà phát hành mà ở đây cả 3 danh xưng đó đều quy về VTC Game nên họ làm "hơi quá" cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Tuy vậy, điều khác biệt lớn nhất ở VTC Game nằm ở chỗ họ hầu như luôn gặp khá nhiều vấn đề về mặt cách thức làm việc, khiến cho đa phần giới game thủ cực kỳ khó chịu. Có thể tóm gọn lại qua một vài câu chuyện như sau:
Như đã nói ở trên, VEC 2009 đổi tên thành giải "vô địch Thể thao điện tử Việt Nam", nhằm mục đích tuyển chọn ra DTQG eSports dự AIG 3rd. Theo thông cáo báo chí giải đấu lúc bấy giờ nguyên văn như sau: "VEC 2009 được tổ chức với 6 bộ môn chuyên nghiệp (CS 1.6, FIFA09, NFS, StarCraft, NBA Live 08 & DotA) và 3 bộ môn phong trào (Audition, Đột Kích và FIFA Online 2)".
2 năm sau, VEC 2011 - vẫn với tên gọi giải vô địch Thể thao điện tử Việt Nam, nhưng 6 bộ môn CHÍNH THỨC hoàn toàn biến mất, 3 bộ môn PHONG TRÀO được giữ nguyên. Tôi không có ý bới móc, nhưng nếu đã thẳng tay loại bỏ những cái được coi là eSports thực sự và sử dụng những game của VTC phát hành, được định hướng thi đấu eSports (hay còn được chính họ gọi là eSports phong trào) thì điều nên làm là đặt tên giải đấu trở về VTC eSports Championship như nguyên trạng. Cách đây ít lâu khi trang tin MMOSITE đưa bài phản ánh về việc này, một vài người bạn cùng ngành và đa phần cộng đồng game thủ cũng có ý kiến tương tự muốn góp ý, bởi làm ăn thì không ai không muốn làm, nhưng cứ lập lờ thì người ta không thể cứ im lặng mà nhìn mãi được.
Chúng ta chẳng thể phủ nhận những cố gắng của các cộng đồng CrossFire, WoT hay FIFA Online 2, phải công nhận rằng họ cũng vô cùng tâm huyết, có những thành công tại nhiều giải đấu quốc tế và những nỗ lực ấy xứng đáng được ghi nhận. Nhưng chính cách truyền thông lạm dụng quá đà của VTC đã biến họ rơi vào trạng thái dở khóc dở cười và nhiều khi nhận chỉ trích oan uổng từ cộng đồng khác.
Cộng đồng FIFA Online 2, WoT hay Đột Kích cũng có được nhiều thành công quốc tế.
Một điều nguy hiểm nhất là việc giờ đây bất cứ sự kiện nào game của VTC cũng đều được biến thành sự kiện eSports cấp quốc gia với lý do "cho nó hoành tráng". Các bạn cứ tưởng tượng đơn giản sự kiện VEA 2013 vừa qua như sau:
Một doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền có 3 loại Gấu đỏ, Gấu trắng và Gấu trúc, doanh nghiệp này cung cấp tiền hoạt động cho tổ chức "hiệp hội mì gói Việt Nam". Sau vài năm, dưới sự bảo trợ của hiệp hội, họ lập ra một sự kiện nhằm mục đích vinh danh những loại mì ngon và được tiêu thụ nhiều nhất trong nước. Thành phần các loại tham dự gồm có Gấu đỏ, Gấu trắng, Gấu trúc và thậm chí là cả mì vằn thắn và mì spaghetti do công ty trên sản xuất cũng đều được đưa vào, cho dù chúng không phải mì ăn liền.
Trong khi đó, các thương hiệu khác như Miliket, Mikochi hay Omachi, cũng là mì ăn liền và về độ ngon hoàn toàn không kém "gia đình nhà gấu" nhưng đều phải đứng ngoài cuộc. Sau đó, doanh nghiệp nói trên lên truyền hình, báo chí tung hô cho sự kiện và các nhãn mì do mình sản xuất là mì ăn liền vô địch thiên hạ, ăn vào biến thành siêu nhân..v..v..
Chưa kể những scandal nho nhỏ bên trong chính cuộc bình chọn mì, khi danh sách account bình chọn có những nick giống nhau y hệt chỉ khác mỗi số thứ tự từ 0 đến 99, phía công ty vẫn trả lời báo giới rằng mọi thứ là hết sức minh bạch rõ ràng. Ai cũng nhìn thấy có tiêu cực, nhưng họ có xử lý đâu, vậy tính hình thức của cuộc bình chọn này thể hiện rõ ràng quá rồi còn gì. Lúc này truyền thông cứ chạy, nhưng ai tin?!
Cuộc bình chọn có quá nhiều clone nick, một cách rõ ràng và minh bạch.
Cách ví von vui vẻ nói trên đến từ một game thủ, và tôi thấy cậu ấy nói cũng đúng… đôi khi bạn không thể cứ mang lý lẽ "tôi giàu tôi có quyền" ra để nói được. Nếu cứ dửng dưng với những cái sai, đến một ngày nào đó nó sẽ tự nhiên được nhìn nhận là đúng. Vì "người sử dụng mì" đôi khi rất tin truyền hình mà không biết được bản chất câu chuyện bên trong hay dở ra sao, đúng sai thế nào, thấy loại mì nhà mình đang dùng được khen thì họ càng mừng, càng nghĩ rằng đã lựa chọn chuẩn.
Ở đây cũng không thể hoàn toàn bỏ qua trách nhiệm của "hiệp hội mì gói Việt Nam", nhưng dẫu sao họ cũng có những cái khó riêng, chúng ta hãy cùng hy vọng sự thay đổi trong tương lai vậy. Bản thân câu chuyện mì ăn liền, mì vằn thắn, mì Spaghetti, eSports hay không eSports có lẽ xin được hẹn các bạn ở một bài viết khác, vì dài và nhiều điều để nói lắm.
Một phần nhỏ cuối cùng, tôi hy vọng được chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi là một game thủ FIFA, và thời điểm năm 2009 tôi cũng ra sức kêu gào tẩy chay FIFA Online 2 với lý do nó là Game Online, không phải eSports, game quá dễ dàng để chơi, đồ họa dở tệ (về những điểm này, hy vọng đừng bạn nào mất công ngồi so sánh lại FIFA Online 2 với FIFA Soccer), tôi thừa nhận mình ghen tị với cộng đồng khổng lồ đó. Một năm sau, cộng đồng FIFAVN của tôi chết hẳn. Người anh tôi rất kính trọng - đầu tàu của FIFA Hà Nội ngày trước giờ là người góp sức nhiều nhất cho việc phát triển FIFA Online 2 của VTC Game, làm việc với nhau đã lâu nên không khó để nhận ra những dấu ấn và hiểu biết của anh ấy khi áp dụng cho cộng đồng này.
Vậy đấy, thay vì phí công mất sức quan tâm đến "thế lực đối lập", cách tốt nhất là dành thời gian và tâm huyết để xây dựng, vun đắp cho cộng đồng của mình. Hiện giờ, các bạn có thể ghé thăm Fanpage và trang chủ của FIFAVN - cộng đồng game thủ FIFA tại Việt Nam. Số lượng không nhiều, khoảng 400 thành viên, nhưng họ sử dụng game bản quyền của EA Sports, không hack/cheat, tham gia hệ thống giải đấu đều đặn, được tiếp cận với thông tin về cộng đồng thế giới thường xuyên, hiểu biết về lịch sử eSports tại Việt Nam và ngay cách cư xử, nói chuyện công cộng trên diễn đàn, Fanpage đều cực kỳ văn minh. Nhiều khi, với một cộng đồng, đáp ứng được ngần ấy tiêu chí là đủ.
Tôi đã từng thấy nhiều game thủ Dota 2 nói Liên Minh Huyền Thoại nhờ tiền của Riot, của Garena mà phát triển, càng không phải là game eSports. Các bạn đã từng nghĩ qua mình sẽ thành cái gì nếu VTC Game giành được quyền phát hành và phân phối Dota 2 tại Việt Nam chưa?
Tôi cũng từng thấy nhiều game thủ FIFA Online 2 nói họ chẳng quan tâm đến việc các game eSports khác ra sao, hài lòng với những gì đang có là được rồi. Các bạn đã từng cân nhắc sẽ tiếp tục gắn bó với trò chơi hiện giờ khi FIFA Online 3 sắp ra mắt tại Việt Nam, nhưng do một Nhà phát hành khác phụ trách hay chưa? Và nếu NPH ấy "giàu" và "chịu chơi" chẳng kém gì VTC Game, ví dụ như Garena thì sao?
Mọi thứ luôn thay đổi rất nhanh, bức tranh toàn cảnh về Thể thao điện tử tại Việt Nam sắp được tô điểm lại trong vòng 6 tháng tới 1 năm nữa với việc VTC Game đáo hạn hợp đồng tài trợ 5 năm với VIRESA và Garena đã chính thức vào cuộc. Từ cuộc họp của Ban chấp hành VIRESA vừa qua, cũng có thông tin đưa rằng Hội không đồng ý việc eSports chỉ là phát triển game của VTC và sẽ có sự thay đổi, trước hết là về mặt tư tưởng.
eSports Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới?!
Câu hỏi đặt ra về VTC Game và cách thức làm eSports nhận nhiều gạch đá của họ đã được giải quyết. Đã là phiếm bàn thì nhiều khi chỉ đơn giản như trà đá quán nước, chẳng phải điều gì to tát và tôi cũng đã nói ngay từ phần 1 về điều này, vì vai trò của trang tin đơn giản chỉ là cung cấp thông tin và phản ánh sự thật.
Phiếm bàn phần 2 xin được dừng tại đây, phần 3, phần 4, phần 5 liệu có cần nữa không? Các bạn muốn biết hoặc muốn đưa vấn đề gì ra để bàn luận? eSports hay không phải eSports nhé?
Nguồn: RGN Facebook
- Bảng xếp hạng các team Dota 2 tháng 4/2013
- Rapture Gaming Network thông báo tuyển dụng nhân sự
- Học hỏi kinh nghiệm Liên Minh Huyền Thoại qua “Khoảnh khắc GPL” tuần 12
- Cập nhật thông tin về LMHT trong những ngày qua
- Perfect World công bố giải đấu Dota 2 trị giá 3 tỷ đồng
- AMD giới thiệu dòng sản phẩm mới, công bố 4 đội game khách mời đầu tiên của AMD Dota 2 Premier League
0 Comment, Leave a Comment And Get RGN Social Points