Đây thực sự là bài học đầu tiên, đáng nhớ cho cố tật “ăn theo” tên tuổi đã lan tràn trong làng game Việt từ lâu. Phải đến khi sự việc này diễn ra, nhiều người mới giật mình thú nhận, hành động “lấy của người này ví dụ cho người kia” là phổ biến và không ai nghĩ đó là sự xâm hại thương hiệu bản quyền.
VNG phải đề nghị các trang game gỡ bỏ những bài viết về iGà có liên quan so sánh Gunny.
Nhập nhèm so sánh
Thật ra, sự việc này đã khởi động hơn 1 tháng trước, khi nhà phát hành Soha Game gởi các bài viết nhờ cậy các báo, trang tin điện tử và trang truyền thông về game đăng tải giúp sự kiện phát hành iGà, 1 trò chơi di động trên nền tảng iOS. Thông tin Soha luôn nhấn mạnh đây là trò chơi có cấu trúc, hình ảnh, lối chơi…tương tự như trò chơi Gunny do VNG phát hành.
Với tinh thần hợp tác, vả lại đây cũng là mảng thông tin hữu ích cho người chơi game, các bản tin về sự kiện đã được đăng tải. Hơn thế nữa, 1 số bài phân tích, so sánh chất lượng trò chơi giữa iGà và Gunny cũng được đặt ra, nhấn mạnh đến những yếu điểm mà iGà nên chỉnh lý, người chơi cần chú ý…
Gunny đã bị iGà "trộn lẫn thông tin" khi so sánh với nhau để truyền thông.
Nhà phát hành Soha Game đương nhiên hưởng lợi truyền thông về mặt này và cho đến nay, khi iGà chính thức được đưa lên App Store để đông đảo người chơi tải về, 1 phần lợi ích thực sự là do đã đối sánh với Gunny, trò chơi bắn súng giải trí đơn giản đã quá sức quen thuộc với các game thủ.
Trong khi đó, VNG không hề nhận được 1 lợi ích nào trong quá trình truyền thông của Soha Game, thậm chí bị ảnh hưởng đôi phần về quyền lợi khai thác hình ảnh và thương hiệu sản phẩm của mình.
Rạch ròi bản quyền
Trước tình hình này, VNG đã chính thức làm việc với 1 số trang truyền thông tích cực cổ súy cho sự việc thông tin so sánh iGà và Gunny, đề nghị tháo gỡ mọi tin bài, hình ảnh liên quan, xác nhận iGà không hề tương quan Gunny vì đây là bản quyền thương hiệu khác hẳn của 2 doanh nghiệp.
Chú gà Gunny đã phải lên tiếng bảo vệ thương hiệu cho mình.
Bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi, đại diện phát ngôn VNG cho biết, thực chất công ty không muốn va chạm về quyền lợi phát hành cũng như bản quyền thương hiệu với doanh nghiệp bạn. Trước khi đưa ra ý kiến về sự việc iGà “ăn theo” quảng bá Gunny, VNG cũng liên lạc với Soha Game để đề nghị xử lý truyền thông. Nhưng do Soha Game tỏ ra thiếu tích cực để thay đổi cách làm của mình, thậm chí vẫn sử dụng hình ảnh Gunny cho các bài viết truyền thông cộng đồng với vai trò đối chiếu sản phẩm, nên VNG phải yêu cầu làm rõ vấn đề.
“Việc các trang truyền thông hỗ trợ đưa tin bài cho Soha là điều cần ủng hộ và chúng tôi đề cao tinh thần hợp tác bất vụ lợi ấy của cộng đồng. Nhưng do đây là phần lỗi sơ suất của đơn vị bạn, nên chúng tôi hy vọng các trang ủng hộ cho VNG, tháo gỡ giúp những thông tin so sánh khiên cưỡng và thiếu chính xác về 2 loại sản phẩm phần mềm game. Nhất là sản phẩm của chúng tôi đã đăng ký bản quyền, giấy phép phát hành chính thức, nên việc này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh chúng tôi, mà còn vô tình lợi dụng những công sức, chi phí mà chúng tôi đã bỏ ra suốt nhiều năm để nỗ lực đưa Gunny đến với cộng đồng”.
Hình ảnh chiến đấu của iGà được tô đậm truyền thông so sánh với Gunny.
Về phía mình, nhà phát hành Soha Game thừa nhận đã có sử dụng những dữ liệu thông tin và hình ảnh so sánh giữa sản phẩm của mình với Gunny. Điều này được hiểu đơn giản là nhằm giải thích dễ hiểu hơn cho người chơi, vì trò chơi Gunny đã phổ biến với đa số người dùng.
Đại diện truyền thông Soha nói rằng việc so sánh 2 trò chơi không hề nhằm “lợi dụng thương hiệu của nhau”, mà chỉ giúp người chơi dễ hiểu để quan tâm sản phẩm mới. Bản thân doanh nghiệp cũng tiên liệu sẽ dễ bị hiểu nhầm, như 1 số trang truyền thông đã có phản hồi thắc mắc, nên đang chủ trương thay đổi lại phương thức truyền thông. Song sơ suất đã thực sự xảy ra và VNG có đủ quyền chính đáng để yêu cầu Soha làm rõ vấn đề. Phía Soha sẵn sàng hợp tác để hiệu chỉnh lại vấn đề thông tin từ sự cố này.
Cố tật “ăn theo”
Điều đáng nói, là sự việc iGà xem ra chỉ mới ở mức sơ suất truyền thông nên VNG cùng Soha Game có thể cùng ngồi lại thương lượng. Thực tế làng game Việt thời gian qua còn xảy ra nhiều vụ việc tồi tệ và cố ý xâm phạm hơn nhiều.
Tam Quốc Truyền Kỳ 2, vụ "trộm tên" nổi tiếng đầu tiên ở làng game Việt.
Không ít nhà phát hành đã “ăn cắp” trắng trợn thương hiệu bản quyền của nhà phát hành khác khi cố tình lấy trùng tên sản phẩm, hoặc đánh tráo tên gọi các trò chơi khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Đơn cử hàng loạt trò chơi cùng bối cảnh Tam Quốc, Thủy Hử với những cái tên na ná nhau thời gian qua, mà nổi danh đình đám nhất là vụ việc Tam Quốc Truyền Kỳ 2.
Có trò chơi thậm chí còn thách thức chủ sở hữu bản quyền lên tiếng mới dừng hành vi gian lận tên gọi, trùng lắp thương hiệu theo kiểu “lỡ dại, huề cả làng”. Có trò chơi lấy tên gọi chồng chéo và “dìm hàng” nhau, như lấy tên trò chơi khác đặt làm server của mình hay chế biến thành tên game khác… 1 sự kiện trong game. Mới đây nhất, là vụ game Rồng (tên cũ Rồng Lộn) “đánh lận con đen” hình ảnh và thông tin để cố tình nhầm lẫn với 2 game đình đám World of Warcraft và Assassin’s Creed. Cùng cảnh ngộ này nhưng trực tiếp hơn, là VTC Game "tố" nhà phát hành FPT Online có sản phẩm "nhái" đúng hình ảnh game của mình...
Game Rồng... cố tình đánh tráo khái niệm với 2 game đình đám để "ăn theo".
Đã đến khi cảnh tỉnh
Trong 1 đánh giá trước đây về môi trường Internet, ông Lê Hồng Minh, tổng giám đốc VNG từng nhìn nhận, ngày nay thế giới đã thông thoáng và mở rộng hơn với mỗi người nhờ mạng thông tin toàn cầu. Internet đang thực sự mang lại sự thay đổi tốt hơn, hiệu quả và tiết kiệm hơn cho cuộc sống nhân loại.
Có điều, ngay trong sự tiện dụng ấy, mỗi người lại sẽ phải chấp nhận sự chật hẹp hơn về quyền lợi của mình, phải tuân thủ đúng những nguyên tắc bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ của người khác.
Càng ngày càng có nhiều vụ việc "nhái game" giống nhau.
Càng tự do trong thế giới Internet, người ta lại càng phải “thượng tôn pháp luật” trong quan hệ chung của mọi người. Nhất là vấn đề bản quyền thương mại, trách nhiệm chi trả hợp lý những quyền lợi sở hữu phải được thực hiện nghiêm túc.
Đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp kinh doanh, phát hành game đã giẫm đạp lên chính suy nghĩ nhận thức ấy, tảng lờ hành vi sai quấy của mình, đưa đến các vụ tranh chấp khó chịu làm tổn hại cả đôi bên. Nguy hiểm hơn, khi làng game Việt lại diễn ra quá nhiều lần trá ngụy “đánh lộn sòng” như vậy, dư luận cũng bị biến đổi xấu theo đến mức nhận lầm hành vi xấu thành… chuyện thường.
Đã đến lúc phải cảnh báo cùng làng game Việt.
Sự cố iGà vì vậy đáng được xem là hồi chuông cập nhật cần thiết, để báo động và cảnh tỉnh những doanh nghiệp đang tiếp tục rắp tâm bày trò “mượn đầu heo nấu cháo”, không chỉ làm tổn thất công sức doanh nghiệp khác mà còn gây ra những cảnh nhiễu nhương trong làng game Việt hiện nay.
Nguồn: RGN Facebook
Bài viết liên quan
Bạn muốn gia nhập đội ngũ phóng viên đầy năng động của RGN? Vui lòng chúng tôi thông tin chi tiết của bạn và bài viết mẫu. RGN sẽ trực tiếp liên lạc với bạn.
Để cập nhật những thông tin mới nhất:
- rapturegaming.net/vn
- www.facebook.com/rapturegaming
- www.twitch.tv/rapturevn
- www.youtube.com/rapturevn
- Hé lộ tướng và trang phục mới sắp ra mắt trong Liên Minh Huyền Thoại tháng 4
- Avengers gia nhập Infernal Gamerz. Esports Heaven công bố giải đấu tại Anh
- Trò chuyện cùng Misa của 1st.VN trước trận đấu với MUFC
- VNG đưa game Việt cập bến thị trường Nhật Bản
- David Rutter: "Chất lượng hơn số lượng!"
- Bùng nổ lễ sinh nhật hoành tráng “Đột Kích 5 năm tuổi” tại Hà Nội
0 Comment, Leave a Comment And Get RGN Social Points