Game lậu trước nay không mấy xa lạ với người chơi. Mặc dù không có một định nghĩa chính xác nào cho nó, nhưng nói một cách đơn giản thì những private (máy chủ lậu) này do cá nhân hoặc nhóm người lập ra và vận hành chứ không nằm trong tay nhà phát hành nào, tất nhiên hoạt động của chúng là bất hợp pháp.Và khi tìm 1 MMO để gắn bó thì private server không phải là lựa chọn phù hợp mà sản phẩm đó phải là “chính chủ” để đảm bảo chất lượng và yên tâm game sẽ hoạt động lâu dài nhờ uy tín của nhà phát hành.
Nhưng một thực tế đáng lo ngại là càng ngày game lậu và “chính chủ” ngày càng khó phân biệt. Điều này trước tiên xuất phát từ việc các private server đang dần chuyên nghiệp hơn, dù là lậu nhưng vẫn tiến hành quảng cáo, RP trên các trang tin, diễn đàn game, rồi cũng tiến hành thử nghiệm, sửa lỗi trước khi chính thức thương mại hóa… cá biệt một số game lậu như Dekaron, các Admin của game còn hết sức tận tình, trực tiếp xử lý những trường hợp bị lỗi khi cài đặt hay hỗ trợ khi gặp vấn đề trong game. Có khi khách hàng của họ còn được chăm sóc tốt hơn một số nhà phát hành hiện nay.
Nếu suy luận theo hướng thong thường thì dù chất lượng của những game lậu này có tăng, nhưng việc có thể bắt kịp được các nhà phát hành là điều không tưởng. Bởi các Admin kia khó có thể so sánh được với cơ sở vật chất đầy đủ, nhân sự đông đảo và kinh nghiệm của những công ty này.
Tuy nhiên, chưa nói đến webgame, mà những game cài đặt được phát hành gần đây lại có chất lượng đáng buồn. Về chất lượng, chúng đều là những game thuộc thế hệ 4-5 năm trước, lối chơi na ná nhau còn đồ họa thì lòe loẹt, có thể kể đến như Thành Cát Tư Hãn 2, Thủy Hử Truyền Kỳ, Hậu Tây Du. Còn về vận hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng của các nhà phát hành nhỏ và thậm chí cả đơn vị lớn như FPT thơi gian qua bị chê trách rất nhiều. Những điều này được phản ánh qua thực tế khi mà những MMO client phát hành trong năm qua có lượng người chơi sụt giảm nhanh đến chóng mặt chỉ sau một hai tháng.
Tuy nhiên, nếu mọi việc chỉ dừng lại ở đó thì người chơi vẫn dễ dàng phân biệt được đâu là game lậu và đâu là game được cấp phép. Và điều đáng quan ngại nhất chính là việc trong vài năm trở lại đây xuất hiện những MMO được ra mắt nhưng danh tính nhà phát hành không được công bố hoặc có nhưng chỉ là một cái tên chưa từng biết đến. Đơn cử như Kiếm Rồng phát hành hồi cuối năm ngoái với danh nghĩa game nước ngoài mở máy chủ dành riêng cho Việt Nam và sau đó là nhiều cái tên khác như Thần Ma Đại Lục, Truyền Thuyết Thánh Vực hay mới đây là Huyết Chiến cùng rất nhiều webgame. Và với việc không rõ tên nhà phát hành thì người chơi dựa vào đâu để nhận định game đó có phải là lậu hay không.
Chưa dừng lại ở đó, nếu như Kiếm Rồng chất lượng vẫn được đảm bảo tốt thì Thần Ma Đại Lục, Truyền Thuyết Thánh Vực lại có những cái kết “trời ơi” còn người chơi thì ngớ người, mất trắng mà không biết làm gì. Quả thực nói những game này chẳng khác gì game lậu không ngoa chút nào. Đa số những trường hợp giấu tên nhà phát hành đều được giải thích với lý do khó khăn trong xin giấy phép, nhưng có nên đặt dấu chấm hỏi về việc liệu những server lậu lợi dụng điều này để tự biến mình thành game “chính chủ”?
Trên đây là những nguyên nhân dẫn tới ranh giới phân định game lậu và game “chính chủ” ngày một mập mờ, khó phân định hơn. Điều này sẽ khiến thị trường game online thêm hỗn loạn còn người chơi tất yếu sẽ là bên chịu thiệt thòi lớn nhất.
Nguồn: RGN Facebook
0 Comment, Leave a Comment And Get RGN Social Points