Q9.Spirit - Huyền thoại làng eSports Việt Nam chuẩn bị lên xe hoa
“Q9.Spirit” Nguyễn Kim Long là một trong những người xứng đáng được liệt vào hàng “huyền thoại” của làng eSports Việt Nam. Xuất thân là một cậu bé mê game, tiếp xúc với eSports từ thủa sơ khai chưa định hình nhưng đã đứng ra thành lập đội game riêng đại diện cho cả khu vực Quận 9 - TP.HCM. Ở giai đoạn hoàng kim, chúng ta biết đến một Spirit thành danh ở 2 bộ môn Counter Strike 1.6 và Sudden Attack, anh cũng là game thủ vinh dự đại diện cho cộng đồng SA Việt Nam tham gia thi đấu tại International E-Sports Federation và cán đích với huy chương bạc chung cuộc.
Khép lại quãng thời gian thi đấu, Spirit lại thử sức mình với vai trò của một nhà quản lí, một giảng viên Đại học tại trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM. Giờ đây, khi đã yên ổn với công việc của một lập trình viên máy tính chuyên môn tốt, thêm một lần nữa anh khiến bạn bè bất ngờ bằng thông báo… lập gia đình vào cuối tuần. Rapture Gaming Network đã có cuộc trò chuyện ngắn với “Q9.Spirit” Nguyễn Kim Long để hiểu thêm về chặng đường vinh quang gắn liền với eSports của anh.
Chào Spirit, trước hết, anh có thể tự giới thiệu về bản thân mình với các độc giả của Rapture Gaming Network được không?
Chào các bạn, mình tên thật là Nguyễn Kim Long, thường được biết đến với nickname là Spirit gắn liền với các game FPS như Counter Strike 1.6 và Sudden Attack. Vừa là đồng sáng lập Q.9 Gaming - một trong những gaming theo hướng chuyên nghiệp của Việt Nam, vừa là admin quản lý iGame.vn - diễn đàn có tiếng về gaming FPS cũng như thường xuyên tham gia tổ chức các giải eSports lớn nhỏ nên cũng được anh em trong cộng đồng eSports nói chung biết đến nhiều.
Spirit sẽ "lên xe hoa" vào ngày 15/12/2013 tới đây.
Theo thông tin chính xác thì anh sẽ lập gia đình trong một vài ngày tới đây. Cuối cùng thì “hành trình game thủ” của tuổi trẻ đã đến lúc dừng lại, nhường chỗ cho những dự định lớn lao và trưởng thành hơn?
Thực tế thì hành trình game thủ của mình đã gần như kết thúc từ năm 2009, sau 2009 mình chỉ chơi game để thư giãn trong lúc rảnh rỗi và theo dõi, ủng hộ cộng đồng là chính chứ ít khi tham gia thi đấu. Ngày 15/12 sắp tới mình sẽ chính thức lập gia đình, khi lập gia đình rồi thì dĩ nhiên các dự định chủ yếu phục vụ cho gia đình nhiều hơn cá nhân, cũng có thể dính dáng tới game, cũng có thể không, còn phải xem duyên của mình với game về sau ra sao.
Spirit của giai đoạn còn là game thủ khác với Spirit 2013 như thế nào, thưa anh?
Spirit bây giờ chín chắn hơn nhưng cũng quyết đoán hơn. Những tháng ngày theo đuổi con đường game thủ chuyên nghiệp mang lại cho mình khá nhiều những thay đổi cần thiết cho bản thân và cuộc sống, công việc.
Công việc hiện tại của anh là gì?
Hiện mình đang công tác trong lĩnh vực thiết kế Web, chuyên môn chính là Front End Developer (HTML/CSS/JS). Ngoài ra mình cũng tham gia giảng dạy bộ môn eSports của trường Thể Dục Thể Thao TPHCM.
Chưa bao giờ trở thành sinh viên nhưng giờ lại là giảng viên, dạy dỗ từng lớp học trò trên giảng đường Đại học, anh có thể chia sẻ cùng độc giả cảm giác này không?
Cảm giác rất tự hào và thú vị, việc eSports được đưa vào giảng dạy chính thức tại một trường đại học chính quy là một bước tiến lớn cho những cố gắng của tất cả mọi người. Được trở thành người đại diện cho thế hệ game thủ cũ truyền kiến thức và ngọn lửa eSports cho các bạn là một vinh dự lớn với mình.
Rất nhiều người còn thắc mắc về nội dung của một buổi học eSports trên trường Đại học. Xin anh cho biết thêm cụ thể khuôn khổ giờ học thì các thông tin cần truyền đạt là gì? Và có các bài kiểm tra, bài thi kì hạn không?
Các bạn sinh viên sẽ được học về lịch sử hình thành, phát triển bộ môn eSports, thực hành chơi để hiểu rõ hơn các game thuộc bộ môn này, kèm theo là cách thức chuẩn bị, triển khai các giải đấu eSports. Kết thúc khóa học thì đều có thi lý thuyết và thực hành, đề thi thuờng không khó lắm.
Học trò của anh là những đối tượng nào, họ có gặp khó khăn khi lần đầu tiếp cận với môn học “khó nhằn” như Thể thao điện tử không? Anh có thể cho độc giả RGN biết thêm một vài kỉ niệm với họ?
Sinh viên khoa Thể Thao Giải Trí sẽ được học thêm Thể Thao Điện Tử, là môn chuyên sâu của khoa. Các em thường là dân thể thao hơn nên về game nói chung là yếu, trừ một vài bạn đã thích và đã chơi game từ trước thì bắt nhịp nhanh hơn còn lại cũng rất khó khăn mới tiếp cận được với các game nặng tính chiến thuật, kiến thức như StarCraft hay DotA, đặc biệt là các bạn nữ. Các khóa đầu có nhiều bạn từ các tỉnh lên còn không quen cầm chuột hay gõ bàn phím cũng chưa rành.
3 thời điểm đáng nhớ và giàu cảm xúc nhất của anh khi còn tập luyện và thi đấu eSports?
Kể từ khi thành lập và gắn bó với Q.9 Gaming, thực sự có quá nhiều kỉ niệm mang lại rất nhiều cảm xúc, khó có thể xác định chính xác vị trí của từng thời điểm. Khó quên nhất có lẽ là thất bại trước Hivo tại VESC 2007, team đã thi đấu rất hay và gần như đã có chiến thắng trong tay nhưng chỉ vì thiếu bản lĩnh mà sau đó thất bại. Thăng hoa nhất thì chắc là World Cyber Games 2008 vòng loại HCM, khi mà team đã chuyển sang thi đấu Sudden Attack nhưng vẫn thi đấu xuất thần và vào tới chung kết, chỉ chịu thua trước 1st.VN, đây cũng là giải Counter Strike 1.6 bản thân mình thi đấu tốt nhất.
Năm 2009, trở thành vận động viên cầm cờ đại diện VN tham gia International E-Sports Federation sau đó team trở thành đội eSports đầu tiên giành được huy chương bạc tại một giải quốc tế tới giờ vẫn là niềm tự hào lớn nhất. Nghĩ lại về những thời điểm cùng anh em chinh chiến các giải trong lẫn ngoài nước, những lần đi Singapore, Malaysia đều rất giàu cảm xúc, cảm giác như chỉ mới vừa diễn ra ngày hôm qua. Bây giờ dù có muốn, cũng khó lòng tập hợp và thực hiện được một chuyến du đấu như vậy nữa vì các thành viên trong team đều đã có công ăn việc làm và đều phải chuẩn bị cho tương lai cho riêng mình.
Cho đến thời điểm này, anh đã bao giờ thấy hối hận về quyết định gắn bó tuổi trẻ của mình với game và eSports chưa? Gia đình, người thân và vợ sắp cưới của anh suy nghĩ thế nào về game?
Chưa một giây phút nào mình hối hận trong quyết định gắn bó với eSports, chỉ có hối hận là cá nhân mình nếu làm tốt hơn, thì team đã có nhiều kết quả tốt hơn. eSports dạy cho mình rất nhiều bài học về khả năng quản lý, phát triển con người, cách làm việc nhóm v.v mà không phải muốn là học được, eSports cũng mang lại cho mình cơ hội việc làm và mang lại cho mình nhiều anh em bạn bè mà tới nay vẫn là anh em, bạn bè tốt. Nếu được chọn lại, mình vẫn sẽ chọn con đường này.
Gia đình mình thì ủng hộ những quyết định của mình từ thời gian đầu, do năng khiếu game đã được thể hiện từ thuở nhỏ. Sau đó với những gì mình đạt được thì hoàn toàn tin tưởng con đường mình lựa chọn để đi. Gia đình vợ thì không hiểu lắm về game nhưng cũng rất hiện đại nên không có định kiến nhiều. Riêng vợ sắp cưới thì mình dành khá nhiều thời gian để kể quá khứ của mình và giải thích về game, đặc biệt là eSports để có thể hiểu niềm đam mê, sự ủng hộ của mình đối với cộng đồng này.
Anh đánh giá thế nào về sự phát triển của nền Thể thao điện tử tại Việt Nam, các đơn vị hoạt động như NPH, VIRESA hay các công ty tổ chức sự kiện game trong thời gian vừa qua và tương lai? Trào lưu "giấu mình" sau mác eSports để kinh doanh của các Nhà phát hành Game Online liệu còn tiếp diễn lâu dài?
Thể Thao Điện Tử tại Việt Nam đã phát triển không ngừng trong 5 năm trở lại đây, khái niệm TTĐT hiện cũng không còn xa lạ gì với giới trẻ. Nhìn chung các điều kiện dành cho phát triển Thể Thao Điện Tử của thế hệ hiện nay đều đang tốt hơn rất nhiều so với thế hệ đi trước như số lượng thông tin tham khảo, game để lựa chọn hay giá cả phần cứng, điều kiện gia đình .v.v. Tuy nhiên kèm theo đó vẫn chưa được xã hội và các cấp lãnh đạo nhìn nhận nên không thể phát triển phong trào một cách mạnh mẽ.
Các NPH Game Online tận dụng eSports để đưa sản phẩm của mình phổ biến hơn là một bước đi đúng, tuy nhiên phải biết dựa theo và gìn giữ những giá trị gốc của eSports và kết hợp để phát triển, phổ biến kèm theo các môn TTĐT truyền thống thì sẽ hay hơn là chỉ chăm chăm lợi dụng cái mác eSports, đôi khi còn làm hại cả hình ảnh và làm sai lệch khái niệm eSports trong cộng đồng.
Là một người hoạt động lâu dài trong giới, theo anh thì yếu tố nào sẽ quyết định vận mạng tương lai của eSports Việt Nam?
Theo cá nhân mình thì đó là chính sách của các cấp quản lý, VN nếu muốn thì hoàn toàn có một nền eSports mạnh mẽ của riêng VN như Hàn Quốc, Trung Quốc. Chúng ta có rất nhiều game thủ đam mê eSports mãnh liệt, có rất nhiều nhà đầu tư không thiếu tiền nhưng quan trọng là không thể làm gì khác được khi thiếu không gian để thở.
"Nặng lòng" với game FPS, anh có thể lí giải những nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành thị trường lớn cho MMOFPS, trong khi các game truyền thống khác như Counter Strike 1.6 hay Counter Strike: Global Offensive thời điểm này gần như mất dạng không?
Game Online nói chung ở Việt Nam phát triển theo chiều hướng dễ cài đặt, dễ chơi, miễn phí giờ chơi... Các game thủ yêu thích FPS cũng ủng hộ các MMOFPS dựa theo các yếu tố này. Mặt khác, các game MMO có nhiều tính năng đa dạng để giải trí mang tính cộng đồng cao hơn những game FPS truyền thống.
Trong khi Counter Strike 1.6 có gameplay xuất sắc nhưng hiện đồ họa đã hơi lỗi thời, khó lòng thu hút được người chơi mới, còn Counter Strike: Global Offensive với đồ họa cuốn hút thì không dễ chơi và cấu hình đòi hỏi phần cứng tương đối cao, chưa kể CS:GO không có nhiều server nonsteam và không phải ai cũng sẵn sàng bỏ 300.000VND ra để mua bản quyền để chơi game ở VN.
Nếu trong tương lai quay trở lại làng game, anh muốn mình xuất hiện với hình tượng và ở vị trí nào?
Hy vọng sẽ là một nhà đầu tư không thiếu tiền như đã đề cập phía trên (lol).
Đám cưới sắp tới của anh chắc chắn sẽ có rất nhiều anh em, bạn bè trong giới eSports Việt Nam tề tựu. Anh có muốn gửi gắm đến họ lời nào không?
Rất cảm ơn anh em, bạn bè đã quan tâm giúp đỡ trong suốt thời gian qua. Riêng anh em eSports, chúc anh em sớm trở thành số 1 thế giới.
Xin cảm ơn anh về bài phỏng vấn, chúc anh hạnh phúc và thành đạt trong tương lai!
Nguồn: Rapture Gaming Network
Lại 1 thím nữa ra đi T.T
comment kiuem code ne
very good idea
like