btn login btn register
   
Follow @RaptureGaming
0




 

Tìm hiểu vị trí đi rừng trong Liên Minh Huyền Thoại


Kiên sokiu on 2013-06-06
LIKE nếu bạn thích bài viết này

Trong hầu hết các trận đấu hiện nay ở những cấp độ cao, mỗi đội đều có một tướng đi rừng chứ không phải đội hình 2-1-2 như những trận đấu ở cấp độ nhỏ hơn. Họ sẽ giúp đỡ đồng đội khá nhiều, hỗ trợ kiểm soát bản đồ, đảo đi khắp nơi và nắm thời cơ tham gia tiêu diệt đối phương ở các đường. Chưa kể đến việc họ còn có khả năng trở thành người phá vỡ thế cân bằng của một trận đấu với những pha đột kích tấn công vô cùng bất ngờ.

 

Vậy những yếu tố nào để chọn tướng đi rừng hiệu quả, và sẽ có những ví dụ tướng tương ứng sau đây :

 

1. Độ cơ động và tính hiệu quả khi đi gank cao.

 

 

Những sự lựa chọn hàng đầu để đi rừng hiện nay.

 

Sự cơ động là điều đầu tiên và là yếu tố tiên quyết để chọn lựa một vị tướng đi rừng hiện nay. Đây thực sự là điều rất dễ hiểu vì khi có khả năng di chuyển hợp lí và cơ động thì nghĩa là bạn có thể gây được sức ép lớn tới các đường và luôn đặt đối phương vào tình trạng luôn luôn phải đề phòng bị “úp sọt“. Thứ vũ khí thứ hai chính là lượng kĩ năng khống chế tướng đi rừng đó có thể tạo ra lên đối thủ. Điều này sẽ giúp những đồng đội của bạn ở mỗi đường có khả năng lấn át đối thủ tốt hơn, qua đó chớp lấy những lợi thế từ đầu trận.

 

Những tướng đi rừng có khả năng cơ động cao hiện nay gồm có bộ đôi Demacia là Jarvan Đệ Tứ - Xinzhao, Vi, Hecarim, Z.A.C, Leesin, Volibear. Ở các giải đấu lớn trên thế giới hiện nay thì những cái tên này luôn luôn xuất hiện - cả trong danh sách cấm và chọn. Với những kĩ năng áp sát, tăng tốc độ chạy hay vượt địa hình thuộc dạng khủng thì những tướng trên luôn có độ cơ động rất cao trong những trận đấu.

 

- Jarvan IV: combo Hoàng Kì Demacia - Giáng Long Kích giúp rút ngắn khoảng cách, vượt địa hình, hất tung đối phương khi sử dụng chính xác. Chiêu cuối Đại Địa Chấn cũng là 1 công cụ áp sát tương đối tốt.

- Xinzhao: Can Trường giúp áp sát và làm chậm với tầm xa là 600 (ngang ngửa tầm đánh của các tướng chủ lực thông thường). Liên Hoàn Tam Kích giúp anh chàng này có thể hất tung đối phương lên và cùng đồng đội kết liễu kẻ xấu số đó.

- Vi: Cú Đấm Bùng Nổ giúp áp sát rồi hất tung, đồng thời có thể dùng để vượt địa hình (khoảng cách tối đa 900). Tả Xung Hữu Đột cũng giúp tiếp cận chủ lực đối phương mà không thể ngăn cản (tầm xa 800). Vậy là với Vi thì khoảng cách rút ngắn lên tới 1700 - một con số rất lớn.

- Hecarim: con nhân mã này thì lại cực mạnh ở tốc độ di chuyển với việc tăng dần từ 25% tới 75%  tốc độ di chuyển trong 4 giây bằng kĩ năng Vó Ngựa Hủy Diệt, khiến hắn áp sát đối phương trong nháy mắt. Thêm nữa là tuyệt chiêu Bóng Ma Kị Sĩ lao thẳng vào đối phương với tầm xa 1000 và gây hoảng sợ. Một công cụ mở đầu giao tranh hoàn hảo.

- Leesin: đu bám, bay nhảy là sở trường của anh thầy tu mù này. Với những con mắt trong người thì khoảng cách không có nghĩa lí gì với Leesin khi trong tay anh ta có Sóng Âm - Vô Ảnh Cước cùng với Hộ Thể. Địa Chấn - Dư Chấn sẽ làm nhiệm vụ khống chế đối phương với khả năng làm chậm. Đây chính là 1 vị tướng sinh ra để đi gank.

 

Mù nhưng khinh công thì đệ nhất thiên hạ - Leesin.

 

- Z.A.C: “anh chàng hotboy” mới nổi này bay nhảy cũng rất thoải mái với Súng Cao Su giúp áp sát và hất tung (tầm xa tối đa 1550 - 1 con số kinh hoàng). Nếu chưa đủ thì chiêu cuối Nảy Nảy Nảy! cũng đóng góp một lương khống chế và di chuyển tương đối tốt.

- Volibear: Truy Kích giúp tăng tốc áp sát và hất tung đối phương, thêm vào đó là Sấm Gầm làm chậm đối thủ.

 

Ở chiều ngược lại, có thể tạm kể ra những tướng đi rừng đang dần bị quên lãng vì thiếu hiệu quả khi đi săn đó là Skarner (chiêu cuối là chiêu khống chế mạnh nhất bị giảm quá nhiều sức mạnh), Allistar (combo mạnh nhưng yêu cầu kĩ năng tốt để sử dụng) hay Shyvana (tốc độ di chuyển cao nhưng không hề có kĩ năng khống chế).

 

2. Khả năng chiến đấu tốt - dọn dẹp quái rừng nhanh

 

Đây cũng được xem như một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của một tướng đi rừng. Một vài vị tướng đi rừng cổ điển một thời như Warwick hay Fiddlesticks đã hoàn toàn bị lãng quên kể từ mùa 2 do không có khả năng dọn quái nhanh. Việc mất quá nhiều thời gian cho những bãi quái sẽ khiến đồng đội của bạn không có được sự hỗ trợ kịp thời và cần thiết, đồng thời đôi khi không đảm bảo lượng máu. Trong khi đó, ở phía đối diện, tướng đi rừng của đối phương sau khi dọn dẹp xong quái sẽ liên tục gây áp lực lên các đường của đội bạn hoặc sang quấy phá cướp bóc khu vực rừng của bạn. Còn với những lựa chọn hot cho mùa 3 đã đưa ra ở trên thì khả năng dọn dẹp của các vị tướng này rất tốt. Chúng ta sẽ thử điểm qua những điểm giúp những vị tướng này dọn dẹp quái nhanh :

 

- Jarvan IV : có kĩ năng tăng tốc đánh và combo gây sát thương - giảm giáp nên dọn quái rất tốt.

 

Jarvan IV đấu tay đôi cực tốt ở giai đoạn đầu.

 

- Xinzhao: anh chàng này cũng có khả năng dọn quái tốt với  kĩ năng Can Trường gây sát thương diện rộng, có khả năng tăng tốc đánh và nội tại giảm giáp đối thủ.

- Leesin: có sát thương lan - làm chậm tốc đánh với Địa Chấn - Dư Chấn và nội tại Loạn Đả tăng tốc đánh.

- Volibear: Sấm Gầm gây hoảng sợ quái đồng thời gây sát thương diện rộng, Nổi Điên tăng tốc đánh.

- Vi: Cú Đấm Xuyên Thấu gây thêm sát thương và tăng tốc đánh cho Vi, Cú Đấm Phá Giáp gây sát thương xuyên qua mục tiêu phía sau.

- Hecarim: Càn Quét và Nhiếp Hồn Trận đều gây sát thương lan, đồng thời phục hồi máu cho Hecarim.

- Z.A.C: Chất Bất Ổn có thời gian hồi ngắn và gây sát thương diện rộng.

 

Khả năng đánh nhau ở đây đó là khả năng giao tranh 1 chọi 1 trong rừng. Đây là điều rất thường xuyên xảy ra bởi việc đi sang cướp phá rừng của bên đối phương luôn là một nhiệm vụ không thể bỏ qua trong các trận đấu của các tướng đi rừng. Chính vì lẽ đó, bạn cần phải luôn sẵn sàng với những tình huống đánh nhau solo ở trong rừng. Đó là lí do tại những cái tên như Volibear, Xin Zhao, Jarvan IV hay Lee Sin và mới gần đây là Vi lại được lựa chọn rất nhiều. Họ đều là những vị tướng đi rừng rất thiện chiến khi có đủ sức đánh solo với tướng đi rừng đối phương trong rừng và nhờ đó, họ hoàn toàn có thể bảo vệ tốt khu vực rừng của mình, hay thậm chí sang cướp ngược rừng của đối phương.

 

3. Sức mạnh ổn định trong cả trận đấu

 

Có rất nhiều vị tướng đi rừng mạnh ở đầu trận nhưng càng đi về cuối trận lại suy giảm sức mạnh đi khá là nhiều và ngược lại, cũng có những vị tướng khá yếu đầu trận nhưng lại rất khỏe về sau. Cả hai loại này đều chỉ là những sự lựa chọn thứ yếu bởi chiến thuật hiện nay yêu cầu một vị tướng duy trì được sức mạnh của mình ở mọi thời điểm của trận đấu. Chúng ta sẽ tiếp tục đưa ra những cái tên cực mạnh ở mùa 3 là Xin Zhao, Lee Sin, Jarvan IV, Hecarim và Vi - những cái tên nổi bật nhất hiện nay ở vị trí đi rừng. Họ là những cái tên có thể gây ra nỗi khiếp sợ cho đối phương ở mọi lúc mọi nơi. Thời điểm đầu trận, khi không có nhiều trang bị thì Vi,Xin Zhao hay Jarvan IV vẫn có thể gây ra rất nhiều sát thương lên đối thủ bằng bộ kĩ năng của mình. Nhờ đó, họ có thể ưu tiên lên những trang bị phòng ngự để gia tăng sức chịu đựng cho bản thân và đồng đội. Tới giữa trận, nhờ những kĩ năng khống chế tương đối tốt của mình, những cái tên kể trên sẽ đem lại ưu thế lớn cho đồng đội bằng việc xộc thẳng vào tấn công những tướng chủ lực của đối phương, tạo cơ hội cho đồng đội có thể thảnh thơi gây sát thương lên đối phương. Về cuối trận, dù cho có bị giảm đi đôi chút sức mạnh nhưng không ai có thể coi thường sự nguy hiểm từ những vị tướng này. Sở hữu một sức mạnh có thể gọi là cân bằng ở mọi thời điểm của trận đấu là yếu tố được xem như cần thiết nhất mà các tướng đi rừng phổ biến hiện nay cần có.

 

Vậy còn những vị tướng đi rừng cổ điển Season 2 như Mundo, Udyr, Fiddlesticks hay Skarner ? Họ đều là những vị tướng rất mạnh ở một vài thời điểm nhưng vì những lý do nhất định, họ không thể duy trì sức mạnh của mình xuyên suốt trận đấu. Mundo rất yếu đuối lúc đầu bởi anh ta phải dùng kĩ năng bằng máu của mình và chỉ một cái Thiêu Đốt (hay các kĩ năng có hiệu ứng Vết Thương Sâu) sẽ khiến Cuồng Nhân Xứ Zaun này gặp rất nhiều khó khăn. Udyr mạnh từ đầu trận đến giữa trận nhưng lại rất dễ bị đối phương "thả diều" đến chết ở cuối trận do thiếu khả năng áp sát tức thời. Fiddlesticks đi rừng sẽ không có nhiều đồ như khi là pháp sư nên khả năng sống sót trong giao tranh là không được cao. Skarner sở hữu một chiêu cuối cực bá đạo nhưng lại quá dễ bị hóa giải với Khăn Giải Thuật.

 

Thời của những người đi rừng này tạm thời đã lùi lại phía sau.

 

* Những sự lựa chọn đi rừng khác: ngoài những sự lựa chọn hàng đầu như đã đề cập ở trên, chúng ta có thể nêu ra điểm mạnh - yếu của các sự lựa chọn đi rừng khác trong mùa ba này.

- Nasus: không quá cơ động, dọn quái cũng không nhanh nhưng tương đối mạnh ở khả năng khóa tướng chủ lực vật lí đối phương nhờ chiêu Lão Hóa và sức chịu đòn tương đối cao với chiêu cuối tăng rất nhiều máu.

- Sejuani: sau khi được làm lại thì sức mạnh của Sejuani cũng được gia tăng khá đáng kể. Một cỗ máy CC (Crownd Control - kĩ năng khống chế) đích thực. Điểm yếu là khả năng tay đôi không được mạnh.

- Amumu: hơi yếu trong đấu tay đôi và khó đi gank ở giai đoạn trước cấp 6. Nhưng sau khi có cấp 6 thì Amumu rất nguy hiểm ở những nơi xác ướp này đi tới với chiêu cuối Lời Nguyền Của Xác Ướp U Sầu. Khả năng chịu đòn tương đối ổn.

- Maokai: suy yếu tương đối trong mùa ba do quái rừng mạnh hơn mùa hai. Tuy nhiên nếu gượng dậy được ở giữa game thì sẽ trở thành một thành phần rất nguy hiểm trong giao tranh tổng với hai kĩ năng khống chế và khả năng bảo vệ đồng đội tốt với Bão Lá Phục Hận.

- Nautilus: “Cỗ máy CC” đến từ biển sâu không mạnh trong đấu tay đôi, tuy nhiên có thể hỗ trợ gank tương đối cùng khả năng đóng góp trong giao tranh tổng tốt với dàn kĩ năng khống chế của mình.

 

Trundle đã được làm mới mình.

 

- Trundle: cũng được làm lại với việc thêm chút ít băng giá vào bộ kĩ năng cũ, thuộc dạng jungle hổ báo trong đấu tay đôi và cướp rừng, cũng khá mạnh về cuối game. Nhược điểm là khả năng đi gank không quá nổi bật.

- Udyr : dọn quái tốt với Võ Phương Hoàng, gank tốt với Võ Gấu và Võ Hổ, chịu đòn khá với Võ Rùa. Tuy nhiên đến giai đoạn cuối do không có kĩ năng rút ngắn khoảng cách nên thường bị "thả diều" đến chết mà không làm gì được.

- Nocturne: không còn xuấy hiện quá nhiều ở mùa ba. Dọn quái rất nhanh, đấu tay đôi khá tốt, tuy nhiên khả năng đi gank không mạnh trước khi có chiêu cuối. Nếu sử dụng tốt thì sau khi có chiêu cuối sẽ có tính đe dọa cực kỳ cao.

- Malphite: ở mùa ba thì việc Malphite đi rừng không còn nhiều như mùa hai nữa, nhưng nếu chọn thì cũng không phải là lựa chọn tồi. Không quá nổi bật trong mọi tiêu chí nhưng tựu chung lại là lối chơi khá an toàn. Chiêu cuối Không Thể Cản Phá cực kì có ích khi tham gia giao tranh. Tuy vậy đi rừng nên không có nhiều trang bị như khi đi các vị trí solo khác nên thương không phát huy hết khả năng của Malphite.

- Nunu: được buff nhiều ở kĩ năng Cắn Nuốt ở bản 3.7, hứa hẹn sẽ được dùng nhiều hơn. Tuy nhiên sức mạnh dường như vẫn không đủ để chen chân vào hàng top ở trên. Đi gank sẽ hơi khó bởi chỉ có một chiêu Cầu Tuyết làm chậm có tầm thi triển không quá xa (500).

 

Rengar giờ đã không còn được đi săn như thế này nữa...

 

- Rengar: đã lâu lắm rồi Thú Săn Mồi Kiêu Hãnh không được xuất hiện kể từ cuối mùa hai khi bị Riot “ gọt nanh” một cách tàn nhẫn. Tính bất ngờ và rùng rợn khi lao ra từ trong bụi cũng không còn nhiều khi có nhiều mắt hơn, lại khá yếu trong giao tranh tổng nên việc Rengar không còn xuất hiện nữa là điều dễ hiểu.

- Rammus: không phổ biến do khó đi gank, dọn lính chậm và không mạnh trong đấu tay đôi. Ưu điểm là khi có kha khá trang bị thì cực kì “ trâu bò “ và sở hữu kĩ năng Khiêu Khích khóa chủ lực đối thủ cực tốt.

- Olaf: dọn lính rất nhanh nhưng khi đi gank chỉ phụ thuộc vào 1 chiêu làm chậm trúng hay trượt. Trong giao tranh cũng không còn được mạnh khi các trang bị tăng máu bị giảm sức mạnh đáng kể.

- Cho’gath: không có nhiều người dùng con quái vật hư không này nữa vì sự chậm chạp và phục thuộc nhiều vào trang bị của nó. Khả năng gank cũng không mạnh do bộ kĩ năng làm hất tung - câm lặng (hoặc ngược lại) dễ bị né.

- Shaco: tốc độ dọn dẹp quái nhanh, khả năng gank và bỏ trốn tương đối tốt nhưng lại tỏ ra rất yếu trong giao tranh tổng.

- Dr.Mundo: như đã nói ở trên thì Mundo dễ bị chống lại bởi các kĩ năng gây Vết Thương Sâu, đồng thời khả năng đi gank quá phục thuộc vào việc có ném dao làm chậm trúng hay không. Thời của ATPA Lilbalz cũng đã trôi qua cùng vị tướng tủ Mundo của anh.

- Warwick: gần như không bao giờ bị mất máu khi đi rừng với khả năng phục hồi máu vô tận nhơ nội tại Cơn Khát Vĩnh Cửu và chiêu Cú Vả Đói Khát nhưng lại khó đi gank trước cấp 6 và tỏ ra lạc lõng trong giao tranh tổng.

- Shyvana: khả năng đánh tay đôi và dọn lính rất tốt, tuy nhiên không thể đi gank tốt vì không sở hữu bất kỳ một kỹ năng khống chế nào trong người. Nếu sử dụng cô nàng này nên cân nhắc dùng Kiệt Sức làm phép bổ trợ bên cạnh Trừng Phạt thay vì Tốc Biến. Với chiêu cuối thì Shyvana chính là một cỗ xe tăng cực mạnh trong giao tranh.

- Sát thủ đi rừng Zed & Kha’zik: khả năng đi gank tương đối tốt, có thể dồn sát thương tiêu diệt con mồi, tuy nhiên cần có một đấu sĩ khủng nếu không muốn đội bị thiếu người chịu đòn trong giao tranh.

- Elise: vị tướng đi rừng tương đối ổn, tuy nhiên cần có khả năng làm choáng tốt với Kén Nhện thì mới có thể gank dễ dàng hơn. Khả năng đeo bám chủ lực đối phương trong giao tranh tốt, tuy nhiên không mạnh bằng các vị trí solo khác do không có nhiều trang bị bằng.

- Evelynn: rất yếu đuối trong giai đoạn đâu, tuy nhiên lợi thế tàng hình khiến Evelynn không sợ những con Mắt Xanh khi đi gank. Không có kỹ năng khống chế trước cấp 6 cũng là một vấn đề nan giải với Evelynn.

 

Shen và Zed đều không phải là những tướng đi rừng mạnh.

 

- Shen: dọn lính chậm, gank cũng không dễ. Tuy vậy rất có lợi trong việc đẩy đường một mình nhờ chiêu cuối Nhất Thống có thể di chuyển về giao tranh từ bất cứ đâu trên bản đồ.

- Diana: từng xuất hiện trong rừng cuối mùa hai nhưng sang mùa ba đã được đưa ra giữa hoặc đường trên do khả năng đi gank từ rừng không cao. Diana được ưu tiên cho đường trên và đường giữa hơn.

- Skarner: Một sự lựa chọn hàng đầu ở giữa mùa hai. Tuy nhiên sau một vài đợt giảm sức mạnh đã gần như biến mất trong mùa ba. Tốc độ đi rừng rất nhanh, tuy nhiên chỉ dễ dàng đi gank sau khi đã có chiêu cuối.

 

Với những tướng đi rừng thuộc hàng khủng và các tướng đi rừng khác được liệt kê điểm mạnh yếu ra ở trên đây, hi vọng các anh hùng trong Liên Minh Huyền Thoại sẽ có những sự lựa chọn đúng đắn khi chọn tướng đi rừng cho mình.

Nguồn: RGN facebook

Tweet

Bài viết liên quan

0 Comment,  Leave a Comment And Get RGN Social Points




    Hãy đăng nhập để comment hoặc dùng Facebook comment