Ngoài chức vô địch và thành tích rất khó tin của NiP tại Copenhagen Games 2013, giải đấu này còn đang được nhắc đến với một sự kiện rất nóng trong cộng đồng: Na’Vi tự ý bỏ cuộc chơi.
Tranh cãi nổ ra khi Na’Vi bị BTC phạt thua 1 map trước BX3 vì lý do đến muộn. Tiếp theo đó, tuy bằng điểm với cả fnatic lẫn Epsilon, Na’Vi vẫn bị xếp thứ 3 tại bảng đấu bởi hiệu số map. Những quyết định này của BTC Copenhagen Games 2013 đã khiến Na’Vi nổi giận và rời khỏi giải. Vậy ai đúng ai sai? Cho tới nay vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời chính xác. Còn cộng đồng CS:GO vẫn đang chia làm 2 phe, một cho rằng Na’Vi đã sai và hành xử thiếu chuyên nghiệp, phe còn lại thì cho rằng BTC đã cố ý gây khó dễ cho team Ukraina. Chúng ta hãy cùng nghe lời kể của người trong cuộc.
Igor "Caff" Sidorenko , quản lý của Na’Vi cho biết:
“Chúng tôi đọc trên web rằng các trận đấu sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng, vì vậy tôi có mặt tại đó vào khoảng 9 giờ để thăm dò tình hình. Lúc này chỉ có vài người lễ tân. Tôi hỏi về việc thuê và đăng ký PC để thi đấu, nhưng không một ai biết gì. Một người lễ tân nói: “Hãy quay trở lại lúc 10 giờ.”
Đến 10 giờ, chúng tôi quay lại, đăng ký nhận PC để thi đấu, nhưng ngay lúc đó BTC nói rằng chúng tôi chỉ có 5 phút chuẩn bị và trận đấu sẽ bắt đầu, nếu không chúng tôi sẽ bị phạt thua 1 map. Tuy nhiên chúng tôi không thể bắt đầu sau 5 phút khi 1 chiếc PC của BTC bị hỏng. Họ mất 30 phút để đổi PC mới, sau đó chúng tôi bị phạt thua 1 map. Điều này thật không công bằng.”
Sau map đầu bị phạt, Na’Vi gỡ hòa ở map tiếp theo và giành chiến thắng ở map cuối trước BX3, tỉ số chung cuộc là 2-1.
Bị phạt 1 map, Na'Vi vẫn lội ngược dòng trước BX3.
Sau chiến thắng này, Igor "Caff" Sidorenko vẫn chưa hài lòng và tiếp tục kiện lên BTC, đòi xóa map thua của Na’Vi: “Chúng tôi muốn nói chuyện với BTC bởi tôi cho rằng mình không hề sai. Và nếu án phạt không bị xóa chúng tôi nên bỏ giải. Tuy nhiên các thành viên trong đội vẫn muốn tiếp tục thi đấu.”
Diễn biến tiếp theo: Na’Vi, fnatic, Epsilon rơi vào thế kiềng ba chân
Na’Vi tiếp tục cuộc chơi, nhưng kết quả cuối cùng của bảng đấu khiến họ rơi vào thế kiềng ba chân cùng với fnatic, và Epsilon. Cả 3 team đều cùng có 4 điểm (mỗi trận thắng có 2 điểm), trong trường hợp này không thể xét thành tích đối đầu bởi 3 team đều thắng lẫn nhau, cụ thể: fnatic thắng Epsilon, Epsilon thắng Na’Vi và Na’Vi thắng fnatic.
Sự cố của Na'Vi đã thu hút sự chú ý của các team khác.
Để phân chia vị trí, BTC cần xét đến chỉ số phụ và đây chính là nơi mâu thuẫn xảy ra. Na’Vi cho rằng họ phải đứng nhất bảng bởi xét các trận đấu với fnatic và Epsilon, hiệu số round của Na’Vi cao nhất. Tuy nhiên phía fnatic phản đối, bởi theo luật thông thường, một bảng đấu thi đấu theo thể thức một trận phải đấu hết 30 round mới áp dụng luật hiệu số round. Dĩ nhiên fnatic có lý bởi tại Copenhagen Games 2013, không có luật đấu hết 30 round. BTC nghiêng về ý kiến của fnatic, và chọn áp dụng hiệu số map.
Xét hiệu số map, Na’Vi là team phải đứng thứ 3 bởi họ kém fnatic và Epsilon (do bị phạt 1 map trước BX3). Và đây cũng là quyết định cuối cùng của BTC, Na’Vi phải xếp thứ 3 và xuống chơi từ nhánh dưới.
Na’Vi không hài lòng với quyết định này bởi trước đó họ cho rằng đã bị BTC đối xử bất công, khởi đầu là án phạt trong trận đấu với BX3. Sau khi bàn bạc với quản lý, Na’Vi bỏ cuộc chơi.
Na'Vi thu xếp gear rời khỏi giải.
Quan điểm của BTC
“Sáng hôm đó, Na’Vi có mặt lúc 9 giờ để hỏi thời điểm giải bắt đầu. Chúng tôi nói là 10 giờ, nhưng 10 giờ 14 phút Na’Vi mới quay lại để đăng ký PC thi đấu. Chúng tôi nói rằng họ có 15 phút để chuẩn bị và bắt đầu nếu không sẽ bị phạt thua 1 map, có nghĩa rằng BTC đã phải đợi Na’Vi 30 phút.
Đến 10 giờ 30 phút Na’Vi vẫn chưa sẵn sàng nên họ bị phạt. Map tiếp theo của Na’Vi và BX3 diễn ra lúc 11h, như vậy BTC đã chờ Na’Vi mất 1 tiếng.
Về việc phân chia vị trí, luật như sau:
Xét thành tích: Na’Vi, fnatic và Epsilon bằng điểm.
Xét đối đầu: Na’Vi, fnatic và Epsilon đều cân bằng.
Xét hiệu số trên cả bảng đấu: Na’Vi có hiệu số map thấp nhất bởi họ để thua 1 map trước BX3.
Chúng tôi giải thích điều này cho fnatic và Na’Vi, họ đều là những team rất chuyên nghiệp và chấp nhận kết quả. Tuy nhiên quản lý team CS của Na’Vi liên lạc với trụ sở của họ và cho biết Na’Vi không hài lòng với quyết định này. Cuối cùng họ rút khỏi giải.”
Sau khi bình luận của BTC được đăng lên, Alexander "ZeroGravity" Kokhanovskyy, CEO của Na’Vi đã có một bài viết phản pháo:
Tôi viết nên những điều này để cho các bạn biết những gì BTC nói là không đúng sự thật, đồng thời giải thích lý do tại sao Na’Vi rời khỏi giải.
Chúng tôi đã có mặt tại Copenhagen Games 2013 đúng 10 giờ. Khách sạn nơi Na’Vi nghỉ cách sự kiện này chỉ 2 phút đi xe, vì vậy không có chuyện Na’Vi bị chậm 14 phút.
ZeroGravity, CEO của Na'Vi.
Sau đó BTC cho biết chúng tôi phải có mặt đủ trong server 10 phút tiếp theo, nhưng một chiếc máy tính bị hỏng khiến chúng tôi bị chậm trễ. Khoảng thời gian giữa trận đấu với BX3 và trận đấu tiếp theo của Na’Vi là 3 tiếng rưỡi. Bình thường chỉ cần hơn 2 tiếng là xong một trận Bo3. Vậy tại sao BTC không cho phép chúng tôi chơi tạm thời với 4 người, hoặc phạt 3, 6 hay 9 round mà phải phạt hẳn 1 map?
Trong trường hợp phân vị trí, rõ ràng việc xét hiệu số round phải được tính đến (Copenhagen Games năm ngoái, ESL, ESWC, Starladder, GameGune, DreamHack và ESEA đều sử dụng thể thức này). Hay nói cách khác, việc chúng tôi bị phạt 1 map đáng ra không ảnh hưởng. Tôi đang có trong tay đoạn video chứng minh rằng BTC đã chọn cách tính hiệu số round, nhưng sau khi một player của fnatic can thiệp, họ lại thay đổi quyết định:
Quyết định rời khỏi giải là do tôi đưa ra, hầu hết các thành viên của team đều đồng ý. Tôi rất vui vì họ là những người can đảm bởi điều này chưa từng xảy ra. Các gamer vốn đã quen với cách xử sự của BTC và họ chấp nhận điều đó. Đã bao nhiêu lần các team bỏ tiền và công sức tham gia giải đấu nhưng vẫn chưa nhận được tiền thường? Đã bao nhiêu lần chúng ta chứng kiến BTC đưa ra những quyết định kỳ cục? Tại sao luật thi đấu luôn thay đổi?
Thời của eSports chuyên nghiệp đã tới. Tôi cho rằng hai tuần tới đây sẽ đánh dấu sự chuyển mình của eSports khi Na’Vi sẽ thành lập Hiệp Hội e-Sports với sự tham dự của các team hàng đầu thế giới. Tổ chức này sẽ thay đổi bộ mặt của eSports ngày nay.
Lời kết
Tranh cãi về sự cố của Na'Vi tại Copenhagen Games 2013 vẫn chưa ngã ngũ. Vì đều có 2 ý kiến trái chiều của BTC lẫn Na'Vi nên chưa thể xác minh chính xác việc Na'Vi tới thi đấu muộn. Tuy nhiên điều quan trọng nhất sau sự kiện này là liệu Hiệp Hội eSports như lời CEO của Na'Vi có được thành lập hay không? Và hiệp hội này sẽ có ảnh hưởng như thế nào với tình hình eSports thế giới hiện nay? Đây là một thông tin đáng mừng cho các gamer chuyên nghiệp, bởi cuối cùng cũng đã có một tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ khi tham gia các giải đấu.
Nguồn: RGN Facebook
Bài viết liên quan
Bạn muốn gia nhập đội ngũ phóng viên đầy năng động của RGN? Vui lòng chúng tôi thông tin chi tiết của bạn và bài viết mẫu. RGN sẽ trực tiếp liên lạc với bạn.
Để cập nhật những thông tin mới nhất:
- rapturegaming.net/vn
- www.facebook.com/rapturegaming
- www.twitch.tv/rapturevn
- www.youtube.com/rapturevn
- Tổng hợp những pha thả Cá tháng Tư của các trang tin game Việt
- Vietnam StarCraft II League: Cơn gió mới cho cộng đồng StarCraft II?
- [Review] Cyzone Super March : Nhiệt [part1]
- Hoàng Thùy Linh sẽ tham gia lễ trao giải VEA 2013
- Game thủ gặp khó vì phải loại quá nhiều người đẹp
- Những pha súng hay tại Copenhagen Games (Phần 1)
0 Comment