Có thể nói, World of Warplanes và Warthunder là hai game không chiến đình đám nhất và cũng giống nhau nhất. Hai tựa game này gần như là một cặp song sinh vậy. Chúng cùng mô phỏng lại những trận không chiến trong Thế chiến hai, các chế độ chơi, thiết kế máy bay... gần như giống hệt, đã vậy cả hai lại ra mắt trong cùng một khoảng thời gian.
Đồng thời, hai cái tên này cũng đang được nhiều game thủ Việt Nam dành sự quan tâm. Khá nhiều câu hỏi được đặt ra về ưu, nhược điểm của World of Warplanes và Warthunder. Để giải đáp thắc mắc đó đồng thời tư vấn giúp các bạn quan tâm lựa chọn tựa game thích hợp nhất cho mình, RGN xin đưa ra một số đánh giá, so sánh giữa World of Warplanes và Warthunder.
Xét về khía cạnh đồ họa, World of Warplanes nhỉnh hơn với hình ảnh khá nét và màu sắc sáng sủa hơn. Trong khi đó đối thủ lại mang không khí khá u ám, tạo chút hoài cổ về một trận chiến trong lịch sử. Còn về thiết kế máy bay thì rất khó để tìm điểm khác nhau vì chúng đều mô phỏng theo những nguyên mẫu có thật.
Về chế độ chơi, trong mỗi trận chiến, những chiến đấu cơ sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ đơn vị mặt đất, mặt biển và chống lại phi đội địch. Nhiệm vụ của mỗi đội là cố gắng tiêu diệt toàn bộ máy bay hoặc đơn vị mặt đất của địch và cũng có thể chiếm đóng cứ điểm để dành chiến thắng.
Tuy nhiên, khi tham chiến người chơi vẫn sẽ cảm nhận được sự khác biệt khá rõ. Ở Warthunder, các đơn vị mắt đất nhỏ và khó tấn công hơn, thêm vào đó khi ở tầm gần chúng tỏ ra mạnh mẽ hơn hẳn ở World of Warplanes. Do đó đa số các trận chiến trong Warthunder sẽ kết thúc bằng cách “clear team”. Một điều thú vị nữa của Warthunder đó là các đơn vị mặt đất của nó sẽ di chuyển, chủ động chiến đấu. Trong nhiều trường hợp, những pha combat của Warthunder sẽ có cả sự phối hợp của đơn vị mặt đất. Điều này ở World of Warplanes kém hơn khá nhiều nhưng lại có thêm chế độ PVE - đấu rồng rất hứa hẹn.
Điểm quan trọng nhất cũng là điểm làm nên sự khác biệt rõ rệt giữa World of Warplanes và Warthunder là gameplay. Điểm cộng đầu tiên sẽ dành cho Warthunder khi nó tạo được những pha đối mặt kịch tính hơn nhiều. Người chơi sẽ điều khiển hoàn toàn chiếc phi cơ của mình, khiến nó nhào lộn, lạng lách theo ý muốn. Đổi lại, Warthunder đòi hỏi rất nhiều vào kỹ năng của người chơi. Đồng thời bản đồ của Warthunder thiết kế với nhiều dãy núi cao, không gian chật hẹp hơn và người chơi cần biết tận dụng điều này để tạo lợi thế hoặc nhanh chóng thoát khỏi tầm ngắm địch. Nhìn chung Warthunder đề cao kỹ năng cá nhân và tạo điều kiện để người chơi thực hiện những pha độc diễn ngoạn mục.
Trong khi đó, World of Warplanes làm mất đi khá nhiều cảm giác “bay” bởi cơ chế điều khiển chủ yếu bằng chuột, ngoài ra chỉ cần tăng dảm tốc độ bằng phím w/s mà thôi. Điều này khiến chiếc phi cơ của bạn không thực sự hành động theo ý muốn và dảm đi nhiều độ khó của trò chơi. Trận đấu vì vậy mà kém kịch tính hơn.
Nhưng sẽ là vội vàng khi kết luận World of Warplanes thua kém. Sản phẩm của Wargaming nhấn mạnh đến tính chiến thuật và phối hợp đồng đội hơn đối thủ. Nó giải thích vì sao Wargaming lại cố tình làm trò chơi của mình dễ đi, giúp người chơi không phải dồn toàn bộ sự tập trung vào việc điều khiển máy bay. Trong khi Warthunder quá nhanh và quá khó để vừa nhào lộn vừa phối hợp, bạn sẽ phải tự thân vận động trong hầu hết tình huống.
Tính chiến thuật thấy rõ nhất khi so sánh bomber của hai trò chơi. Ở Warthunder bomber rất khó điều khiển súng phụ phía sau để tự vệ và khi dùng đến nó bạn bắt bộc phải từ bỏ việc điều khiển máy bay. Điều này khiến những cỗ máy to lớn này nhanh chóng bị bắn rơi hoặc phải rời bỏ trận chiến khi hết boom. Và như đã nói ở trên, không nên quá trông chờ vào đồng đội bởi họ đang bận “solo”. Còn ở World of Warplanes, ụ súng phụ của bomber sẽ tự động bắn mà không cần điều khiển. Nó thực sự giúp những pháo đài bay này sinh tồn mạnh mẽ hơn và có thể tập trung vào nhiệm vụ oanh tạc đơn vị mặt đất địch để dành chiến thắng “chiến thuật”. Tất yếu, chiến đấu cơ của địch sẽ phải ưu tiên nhiệm vụ tiêu diệt bomber thay vì sa đà vào những trận đấu tay đôi, đồng thời nhiệm vụ bảo vệ bomber chính là yếu tố then chốt dẫn tới chiến thắng chung cuộc.
Như vậy, Warthunder sẽ phù hợp hơn với những phi công có kỹ năng tốt đồng thời ưa thích tính hành động còn World of Warplanes tập trung nhiều hơn vào tính chiến thuật. Trên đây là những đánh giá của RGN về hai tựa game không chiến World of Warplanes và Warthunder. Hy vọng rằng nó hữu ích với những bạn quan tâm và đang phân vân giữa hai kình địch này.
Nguồn: RGN Facebook
mình cứ nghĩ 2 game là một chứ. giờ đọc bài mới biết là 2