Nghịch lý: Game lậu bỗng dưng được thừa nhận?

LIKE nếu bạn thích bài viết này

Là một sản phẩm rất được chờ đợi trên toàn thế giới, Dragon Nest đã tạo nên một cơn sốt khi ra mắt vào năm 2010 tại Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kong, và tiến đánh ra Bắc Mỹ vào năm 2011 trước khi xuất hiện server Châu Âu vào đầu năm 2013. Cộng đồng gamer của Dragon Nests tại Việt Nam tương đối lớn, khắc khoải từng giờ phút game tìm được một nhà phát hành đỡ đầu tại Việt Nam. Trong những ngày tháng trông ngóng thế, gamer đành chấp nhận sống kiếp xa nhà khi chơi tại các server quốc tế.

Sự mong ngóng của gamer thật khó tin lại không khiến nhà phát hành nào động lòng. Thời gian cứ thế trôi qua, những sản phẩm mới liên tục về Việt Nam, nhưng mỏi mắt tìm vẫn không thấy sự xuất hiện của cái tên Dragon Nest yêu dấu. Lý do khách quan cũng chỉ vì việc siết chặt quản lý game online, do đó các game về Việt Nam phần lớn theo dạng webgame để né vấn đề giấy phép phát hành. Trong trường hợp đó, Dragon Nest buồn hẩm hiu khi là một game client 3D, đồng nghĩa với việc không thể tìm cách lách luật để đến với đất nước hình chữ S được. Các nhà phát hành cũng tỏ vẻ thờ ơ đến lạ thường trước một sản phẩm khá hấp dẫn này.

Server Private ngang nhiên xuất hiện

Để giải tỏa cơn thèm khát của cộng đồng Dragon Nest, một số server lậu đã xuất hiện. Gamer Việt hiểu rõ những vấn đề họ gặp phải khi chơi các server lậu như tính bất ổn, thiếu hỗ trợ, không có gì đảm bảo, nhưng khi mà tình yêu Dragon Nest quá lớn, họ đành chấp nhận chơi các server lậu với tâm lý “méo mó có còn hơn không”.

Trong lúc cuộc chiến giữa những nhà phát hành game chân chính và các nhà phát hành Trung Quốc đội lốt với các sản phẩm “ba không”: Không địa chỉ, không nhà phát hành, không giấy phép, thì Dragon Nest xuất hiện dưới hình hài một server với cái “không” thứ 4 là không cả bản quyền game. Chung quy server Dragon Nest “Việt Nam” theo cách họ tự xưng vốn không phải đứa con chính thống của nhà phát triển, nên dĩ nhiên không thể thừa hưởng sự giúp đỡ hỗ trợ kỹ thuật khi xảy ra sự cố, các bản nâng cấp cũng không chắc được cung cấp đúng hạn.

Việc chơi các server lậu cũng chẳng khác gì niềm tin mù quáng với người cung cấp dịch vụ. Không có gì trói buộc, họ có thể bỏ game, reset server bất cứ lúc nào miễn họ cảm thấy là đã hoàn thành mục tiêu tài chính – lợi nhuận. Chẳng có gì trói buộc đồng nghĩa với việc họ chẳng cần những hoạt động phát triển cộng đồng, thu hút người chơi, chăm lo sản phẩm. Không có quyền phát hành game từ chủ sở hữu, cũng không có gì đảm bảo liệu server lậu này sẽ sống được đến khi có bản nâng cấp hay không. Sự biến mất của khá nhiều server lậu là bài học nhãn tiền vì tiền đã đổ vào game coi như đi theo dòng nước một cách vô nghĩa, khi mà niềm vui đổi lại được ngắn chẳng tày gang.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Không chỉ xuất hiện, các server lậu còn nghênh ngang thuê vài trang báo game có uy tín lớn để quảng bá cho họ. Bản thân các trang báo game này cũng đang hô hào đoàn kết trong cuộc chiến chống những nhà phát hành Trung Quốc đang làm game chui tại Việt Nam, thế nhưng họ lại mặc nhiên đăng bài cho một server lậu. Phải chăng vì server này là của người Việt nên cần châm chước? Liệu những nhà phát hành game chân chính có thấy buồn không khi biết một game chẳng cần đầu tư tiền bạc hay tâm sức gì đang ngang nhiên xuất hiện trên báo chí như thế?

Trong bất kỳ trường hợp nào đi nữa, việc một game lậu và server private xuất hiện trên một cơ quan ngôn luận của những nhà làm game chân chính chẳng khác nào một lời cổ vũ cho sự phát triển của game lậu, là nhát đâm vào lòng những nhà phát hành chân chính. Trong khi chúng ta đang hô hào trong sạch hóa làng game, phải chăng chúng ta sẽ tự bóp chết các nhà phát hành của mình?

Nguồn: Theo RGN FB

Similar Posts