Game Online Việt – Những gì ta đã mất

Nhớ lại những ngày đầu Võ Lâm Truyền Kỳ, khi mà việc cày cuốc còn khá vất vả và auto vẫn chưa thật sự phát triển, nét văn hóa đẹp nhất chính là party cùng nhau luyện cấp. Những lời rao trên kênh thế giới tìm kiếm buff hoặc tanker chính cho party liên tục được phát ra với hy vọng có thể tìm kiếm được một đội ngũ “chuẩn không cần chỉnh”. Ngay cả thời đại của auto tràn vào, việc tìm kiếm một party có đầy đủ các vị trí cần thiết cũng vẫn là một nét văn hóa đẹp, khi mà auto vẫn chỉ là bán tự động, không thể thay thế con người nhận-trả nhiệm vụ. Từ những party đó, quan hệ bạn bè trong game được mở rộng, và qua đó người chơi càng thêm gắn bó.

Tuy nhiên khi mà tuổi thọ game ngày một ngắn đi, gamer Việt nhanh chóng “cày cuốc” để đạt level cao trong game và hoàn toàn có thể một mình một cõi, vấn đề party chỉ còn là dĩ vãng. Một nhân vật được trang vị các vũ khí và quần áo mạnh mẽ tõ ràng không có lý do gì họ cần có thêm đồng đội tranh giành các món đồ rớt ra từ bãi quái. Tiếp theo đó, với việc người chơi có thể chơi cùng lúc nhiều tài khoản, một gamer có thể tự tạo ra “đội quân một người”, và vì thế họ không cần party làm gì. Vả lại cần gì party cùng nhau khi gamer có thể dùng auto để điều khiển nhiều nhân vật?

Party trong game giờ là khá xa xỉ.

Mua bán – Trao đổi vật phẩm

Vào những ngày xa xưa của làng game, khi mà người chơi không đặt nặng tiền bạc, một món đồ trong game ít khi được định giá dựa trên tiền mặt. Vì thế, việc cày cuốc kiếm vàng trong game, rồi lại đem chúng mua bán, trao đổi, đã trở thành một nét đẹp trong cuộc sống thế giới ảo. Khi mà tất cả đều chỉ xoay quanh vấn đề tiền ảo, gamer sẽ phải đọ nhau bằng hoặc trí tuệ hoặc sức mạnh. Họ làm mọi cách để kiếm ra tiền ảo, để có thể trang bị vũ khí cho mình trong game.

Tuy nhiên mảnh đất mầu mỡ ấy nhanh chóng bị chiếm đóng bởi đội ngũ cày vàng, và cả lòng tham của các nhà phát hành. Ngăn sông cấm chợ thông qua việc hạn chế lượng tiền gamer có thể kiếm được, buộc gamer phải mua tiền trực tiếp từ nhà phát hành, và từ đó tăng doanh thu của game. Bên cạnh đó, những đội ngũ cày vàng, sống bằng việc tạo ra các tài sản ảo, đã làm mọi việc trở nên dễ dàng cho gamer kiếm ra tiền ảo. Cách đó đơn giản là dùng tiền Việt để đổi tiền ảo trong game, nhanh hơn rất nhiều việc phải treo máy hàng giờ liền. Để thuận tiện cho việc làm ăn, đội ngũ cày vàng còn tìm cách phá hoại những hoạt động kiếm tiền nhỏ lẻ khác của gamer, để đảm bảo gamer sẽ không thể tìm ra nguồn cung cấp khác và phải đến mua từ đội ngũ này. Từ đó, việc mua bán vật phẩm đã có thể quy ra tiền thật, hoặc từ đội ngũ cày vàng, hoặc từ chính nhà phát hành. Gamer đỡ phải suy nghĩ và lao động, họ chỉ phải bỏ thêm tiền vào game, và đó là tất cả. Những ngày tháng cắm máy hàng tuần lễ cày vàng giờ chỉ còn là dĩ vãng nhạt nhòa.

Những ngày tháng mua bán náo nhiệt.

Cà phê chém gió

Ngồi nhâm nhi ly cà phê và nói chuyện về game, đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của những người chơi game. Gặp nhau bàn chuyện  trong game có thể khiến gamer ngồi bên nhau hàng giờ liền, và nó là một “đặc sản” của những người chơi game. Thậm chí cả bang hội ngồi cùng nhau vào đúng một thời điểm được ấn định, và lâu lâu lại chào mừng những thành viên mới lần đầu tham gia. Tiếc thay, đó là hình ảnh của những ngày xưa.

Khi mà thị trường game bị ngập trong vô số các game khác nhau, thì cộng đồng cũng vì thế bị chia nhỏ đi. Quá nhỏ để có thể tìm được bạn bè ngồi cùng nhau vài ly cà phê, và cũng quá nhỏ để anh em có thể quyết tâm gắn bó lâu dài. Thời gian tuổi thọ của game giờ được rút ngắn đi kinh khủng, đến mức gamer đến và gamer đi quá nhanh và khi tình bạn chưa được xây dựng, chúng ta đã phải chia tay nhau để đi tìm miền đất mới.

Offline gặp gỡ và chém gió.

Làng game Việt tuy đã có những sự phát triển vượt bậc, tuy nhiên trả giá cho những sự phát triển ấy lại là tình cảm con người trong game với nhau. Giá trị của trò chơi trực tuyến mất đi, đồng nghĩa với việc gamer đang ráng “nhai” miếng bánh mì khô khốc mà nhà phát hành tạo ra một cách vội vã và gian dối, với mục tiêu duy nhất là làm đầy thêm lợi nhuận. Than ôi, những giá trị xưa của làng game, giờ như linh hồn đã mất.

Nguồn: Blog Người Làm Game

Similar Posts